(iHay) “Cho dù bạn là học sinh cá biệt và hay nói xấu giáo viên, sẽ vẫn có người thầy bạn không bao giờ nói xấu!”.... Facebook người bạn “treo status” này nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, tôi gật gù và tự nhủ 'đúng thật'. Dù suốt những năm phổ thông, tôi chẳng phải học sinh cá biệt (ngược lại còn là học sinh giỏi, lớp trưởng lớp phó các loại) nhưng vẫn là đứa trò hay nói xấu giáo viên. Những câu chuyện bắt đầu bằng “ông thầy này, bà cô nọ” luôn là sợi dây kết dính câu chuyện bạn bè của lũ trò chúng tôi. Dù vậy, tôi lại có hai người thầy để yêu kính.
Yêu kính thầy chẳng khó và cũng chẳng “kỳ dị” như chúng tôi – những đứa trò - từng nghĩ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Những năm bé dại thời tiểu học, tôi có thể quên tên cô hiệu trưởng, có thể quên mặt bạn trai ngồi cạnh, có thể quên cái đứa vượt qua mình đứng nhất lớp chỉ vì chữ nó đẹp hơn, nhưng tôi không bao giờ quên thầy chủ nhiệm lớp 4. Thầy khá đẹp trai (theo nhãn quan của tôi lúc ấy) và là một trong những giáo viên trẻ nhất trường. Thầy dạy môn nào cũng dễ hiểu, thích cho điểm cao, chẳng bao giờ khẻ tay hay la mắng, lại còn rất dịu dàng ân cần với tụi nhỏ bọn tôi.
Điều tôi nhớ nhất là thầy luôn cho tôi điểm 9-10 môn Tập làm văn, số điểm “tối kỵ” của môn học này. Những năm học đầu đời thời đó, đứa nhỏ nào mà không ham điểm 10 cùng những bông hoa đỏ dành cho bé ngoan. Vậy thôi cũng đã đủ để con bé lên 9 thầm nghĩ “lớn lên con sẽ cưới thầy”. Ngày bế giảng, thầy trò đã bịn rịn chia tay, nhưng ra đến cổng trường, thầy vẫn chạy theo xin lại cuốn Tập làm văn của đứa trò mà thầy tự hào để làm kỷ niệm. Đó cũng là lần cuối tôi gặp thầy và là ngày cuối cùng của tôi ở ngôi trường quê ấy. Suốt những năm phổ thông sau đó, tôi chẳng còn tìm được người thầy nào dịu dàng gần gũi đến vậy, tự hào và trân trọng học trò của mình đến vậy.
Người thầy thứ hai mà tôi luôn nhớ là cô chủ nhiệm lớp 9. Với tôi, cô là giáo viên dạy Văn “tân tiến” nhất thời đó. Trong khi hầu hết các thầy cô đều không an tâm với khả năng văn vẻ của học trò, nên thường đọc dàn ý cho trò chép, bài kiểm tra thiếu ý nào là trừ điểm ý đó thì cô lại rất tin tưởng chúng tôi. Cô dạy cho chúng tôi làm sao để viết một bài văn, làm mẫu thử rồi cho học trò tự do tưởng tượng và sáng tác.
Thay cho thời gian chép dàn ý của tiết Văn và những “đại hội xét tội” của tiết chủ nhiệm, cô đọc và phân tích những bài thơ hay, những truyện ngắn nổi tiếng, kể về những tác giả đoạt giải Nobel Văn học. Vậy nên, cô là giáo viên duy nhất được chúng tôi “đặc cách” mời đi ăn, đi hát, thậm chí là đi du lịch cùng. Thầy trò như vậy chẳng phải là vui lắm sao, tại sao cứ phải đối đầu nhau bằng những điều luật và điểm số?
Ai rồi cũng lớn. Hết phổ thông, tôi không còn tâm lý ghét thầy cô nữa, cũng không còn dùng danh xưng “ổng”, “bả” để gọi những người truyền dạy kiến thức cho mình. Tôi trở thành đứa trò “dễ dãi”, có thể yêu mến tất cả những thầy cô từng dạy mình. Những năm đại học, tôi nhận ra không phải tự nhiên mà thầy cô trở thành thầy cô, mỗi người thầy đều có gì đó để ta học. Không chỉ là kiến thức chuyên môn, họ còn có vô vàn những trải nghiệm của người đi trước. Tôi nhận ra, chẳng ai đi dạy đại học để mong nhận lương từ học phí của học trò. Và tôi nhận ra, yêu kính thầy chẳng khó và cũng chẳng “kỳ dị” như chúng tôi – những đứa trò - từng nghĩ. Chỉ cần cảm được tâm huyết của họ, là sẽ yêu thôi.
Kể ra tôi cũng từng làm thầy. Chuyện là chục năm trước tôi có dạy kèm cho đứa em họ. Thành tích đáng tự hào của tôi là “cứu” em khỏi bị khống chế môn Toán bằng điểm 9 của kỳ thi cuối năm. Nghĩ mình cũng có khiếu sư phạm, tôi định bụng sẽ học cao hơn rồi dạy những thứ vĩ mô, chứ quyết không dạy mấy môn phổ thông thế này.
Ai rồi cũng lớn. Dù học và làm những ngành không liên quan đến sư phạm, tôi vẫn mong một ngày nào đó có thể đứng trên bục giảng. Dạy gì cũng được, dạy ai cũng được, miễn sao có thể cho người khác những gì ta học được từ cuộc sống này, trả lại cho đời những gì đời cho ta và để một mai, kiến thức và trải nghiệm của ta sẽ không trôi tuột theo bệnh đãng trí của tuổi già. Tôi tin đây cũng là tâm niệm của những người thầy mà tôi yêu mến.
Bình luận (0)