Học đại học để làm gì? | Kỳ 2: Giản Tư Trung - Đại học với tam tính
Như chủ đề "Học đại học để làm gì?", ông suy nghĩ như thế nào về câu hỏi này, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Bàn về giáo dục là bàn về sự học. Câu hỏi "Học đại học để làm gì?" hay mở rộng ra "Học để làm gì?" là gốc rễ của mọi vấn đề trong giáo dục. Theo UNESCO, một người đi học có 4 mục tiêu: "Học để biết - Học để làm - Học để chung sống - Học để khẳng định mình". Trong đó, mục tiêu thứ tư là quan trọng nhất và khó nhất.
"Học để khẳng định mình" tức là học để trở thành con người mà mình muốn, định hình nhân cách, bản tính, văn hóa. Cuối cùng là học để biến mình thành phiên bản tốt hơn về mọi mặt. Hiểu đơn giản, 12 năm phổ thông học để làm người.
Còn học đại học (ĐH) để làm gì tùy thuộc vào loại ĐH. Tôi tạm chia ĐH thành 4 nhóm: ĐH tinh hoa, ĐH chất lượng cao, ĐH dạy nghề và cuối cùng là ĐH cộng đồng. Mỗi đại học có vai trò và lý tưởng khác nhau về sự học của sinh viên.
Sứ mệnh của ĐH tinh hoa sẽ dẫn dắt xã hội về tinh thần, tư tưởng, văn hóa. Nói một cách vi mô là đào tạo ra chuyên gia, trí thức, học giả ở trình độ hàng đầu. Loại ĐH này mỗi quốc gia chỉ có 1-2 trường, rất ít. Bởi lẽ, đây là nơi quy tụ những học viên là tinh hoa của dân tộc. Ở những nơi có nền ĐH vĩ đại như Mỹ và Anh, số lượng trường ĐH ở nhóm này của họ nhiều hơn các nước khác và đó được xem là ĐH tinh hoa của cả thế giới.
Vai trò của ĐH tinh hoa là đào tạo người trí thức. Thế nhưng, nếu người chỉ có "trí" - nghĩa là có sự hiểu biết cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội là chưa đủ. Anh phải chia sẻ sự hiểu biết và dùng trí tuệ để thúc đẩy xã hội tiến bộ. Đó là vai trò, trách nhiệm xã hội của người hiểu biết.
3 loại ĐH còn lại cũng có những sứ mệnh giáo dục khác nhau. ĐH chất lượng cao sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. ĐH dạy nghề cung cấp những kỹ năng cần thiết để kiếm việc làm. ĐH cộng đồng để nâng cao dân trí. Loại ĐH này dành cho những ai "lỡ hẹn" với ĐH và có nhu cầu bổ sung kiến thức khi đã có công việc ổn định.
Nói tóm lại, học phổ thông để có nền tảng làm người còn học ĐH để có tầm vóc văn hóa và làm nghề ở trình độ cao.
Ông nhắc nhiều về việc "làm người", vậy như thế nào được gọi là làm người, thưa ông?
Thực ra, học làm người chính xác là học để định hình cách làm người của mình. Điều sâu thẳm trong "năng lực làm người" là lòng trắc ẩn. Đơn giản là chúng ta có lòng vị tha, biết buông bỏ và nhớ ơn. Lòng trắc ẩn cũng là nền tảng để khai minh. Đó là cơ sở giúp con người biết phân biệt đúng - sai, phải - trái, trắng - đen. Con người phải được dẫn dắt bởi sự khai minh thì việc làm xuất phát từ lòng trắc ẩn mới đến được đích là điều thiện.
Đi sâu hơn về "khai minh" có 2 chữ, cũng là hai điều quan trọng nhất của "làm người": Tự trọng và tôn trọng. Trong đó, "tự trọng" là biết coi trọng lương tri và phẩm giá của bản thân để từ đó tránh làm những việc ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của mình. Trước là coi trọng bản thân, sau là tôn trọng người khác. Nếu trong cuộc đời có sự tự trọng và tôn trọng thì mọi thứ đều tốt.
Những môn học ở chương trình phổ thông không nên hướng vào ngành nghề mà nên dạy cách làm người. Học toán để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề của đời sống. Học mỹ thuật để nâng cao mỹ cảm, óc tưởng tượng để bồi đắp tâm hồn của đứa trẻ.
Tôi ví việc "xây người" của giáo dục 12 năm phổ thông như xây nhà. Tổng thời lượng thi công "ngôi nhà" con người này là 18 năm. Mỗi môn học như 1 hạng mục công trình. Sau 18 năm có hơn 100 nhà thầu vào thi công rất khí thế, hăng say. Thế nhưng, bi kịch là họ không có bản vẽ, mạnh ai nấy xây. Sau 18 năm nó sẽ không ra một căn nhà mong muốn, không cẩn thận nó sẽ ra 1 đống xà bần. Rõ ràng là sự học của chúng ta bị mất gốc.
Chúng ta nghe nói nhiều về giáo dục khai phóng ở ĐH, vậy "chân dung" con người được tạo ra ở ĐH có khác gì so với giáo dục phổ thông không, thưa ông?
Nếu giáo dục phổ thông và đại học là giáo dục khai phóng thì đều hướng đến việc "làm người". Con người phải có tam tính: Nhân tính, quốc tính và cá tính. Đó cũng là đích đến của giáo dục ĐH. Điều làm nên sự khác biệt giữa con người và các giống loài khác nằm ở nhân tính. Vì ta có khả năng minh định đúng - sai, chính - tà, và biết mục đích sống của bản thân.
Bất kỳ ai cũng đều có cội nguồn. Có những thứ không thể thay đổi, thứ nhất là cha mẹ, thứ hai là con cái, thứ ba là Tổ quốc. Quốc tịch có thể thay đổi nhưng Tổ quốc và nguồn gốc thì không. Quốc tính là căn tính, hồn cốt quốc gia. Người có quốc tính sẽ có tâm thức về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, phong tục tập quán.
Cá tính được xây dựng trên nền tảng nhân tính và được bồi đắp bởi quốc tính. Nếu không, nó sẽ được gọi là quái tính.
Chúng ta đã hiểu "chân dung" con người mà giáo dục hướng đến. Vậy làm thế nào để trở thành con người như thế, thưa ông?
Tôi định nghĩa giáo dục khai phóng là khai minh và giải phóng. Khai là mở, minh là sáng. Đưa ánh sáng vào làm cho mình trở nên sáng ra là khai minh. Còn giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh. Tôi chưa thấy ai khai minh mà không tự giải phóng bản thân khỏi sự vô minh, giáo điều, chủ quan duy ý chí.
Thêm vào đó, khai phóng còn là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng. Suốt cả sự học chúng ta không ngừng khai tâm và khai trí và sau đó là giải phóng tất cả tiềm năng đang có trong công việc và cuộc sống.
Trong cuốn sách Đúng việc, tôi có viết về câu chuyện "Rời hang" gắn với hành trình khai minh của mỗi người. Khi sống trong hang tăm tối, ta tưởng nó là cả thế giới. Cuộc đời mỗi con người, ai cũng có thể có đến mấy "cái hang". Gia đình, tổ chức, xứ sở và thậm chí cả thế giới này đều có thể là những cái hang. Trong đó, cái hang đầu tiên là chính bản thân mình. Chính vì thế ta phải liên tục khai mở để tìm ánh sáng và khai mở bản thân. Đó là hành trình trọn đời, không chỉ 1-2 năm.
Được rời khỏi hang thì đó là may mắn của bản thân. Thế nhưng, điều quan trọng là giúp những người còn lại thoát khỏi nơi tăm tối đó. Hành trình đó sẽ không dễ dàng.
Bình luận (0)