Học được gì từ các câu lạc bộ do sinh viên tổ chức?

29/12/2022 16:29 GMT+7

Có cơ hội giao lưu với chuyên gia, mở rộng thêm kiến thức, trau dồi kỹ năng mềm là những điểm thu hút bạn trẻ tham gia các hoạt động của câu lạc bộ do sinh viên tổ chức.

Câu lạc bộ: nơi giao lưu, học hỏi hiệu quả

Với mong muốn được học thêm kiến thức mới bên cạnh giáo án trên trường, nhiều sinh viên lựa chọn trích một phần thời gian trong những ngày nghỉ để tham gia những chương trình của các câu lạc bộ (CLB), lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia.

Trần Ngọc Thanh (18 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết bản thân cảm thấy thiếu tự tin khi thể hiện ý tưởng cũng như còn sợ đứng trước đám đông. Ngoài giờ học, Thanh tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để đến tham gia một số CLB tại trường. Cuối tuần vừa qua, Thanh đã đến tham dự talkshow “Ngôn ngữ hình thể: Từ Sân khấu đến chuyện nghề” do CLB Sân khấu và Điện ảnh tổ chức để được lắng nghe những chia sẻ của khách mời là các nghệ sĩ kịch về cách vận dụng ngôn ngữ hình thể trong công việc và học tập.

“Ban đầu tôi rất ngại nói chuyện trước đám đông. Mỗi khi đứng trước lớp thuyết trình là tôi lại toát mồ hôi và run tay. Do vậy, tôi thường dành thời gian đến các buổi giao lưu do CLB sinh viên tổ chức để cải thiện những khuyết điểm này. Nhờ đó, tôi đã mạnh dạn hơn để dần khắc phục một số khuyết điểm của bản thân”, Ngọc Thanh cho biết.

Những buổi trò chuyện mở do các sinh viên tổ chức thường nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ nhờ đánh trúng vào tâm lý của người tham gia. Đó là mong muốn tìm được những nơi có thể giúp họ học thêm kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng soạn CV…

Các sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả trong buổi talkshow “Ngôn ngữ hình thể: Từ Sân khấu đến chuyện nghề” tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, với sự tham dự của nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu, nghệ sĩ Hồng Trang, tiến sĩ Lê Hồng Phước

TRIỆU HÀ

Nguyễn Phạm Thiên Thanh (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhớ lại khoảng thời gian bị rớt từ vòng gửi hồ sơ khi ứng tuyển làm thực tập tại một số công ty về truyền thông. Khi đó, Thanh chưa nhận ra vấn đề nằm ở CV vẫn còn mắc lỗi nên liên tục gửi đến nhiều đơn vị nhưng không nhận được phản hồi.

“Sau nhiều lần thất bại, tôi đã thử đăng ký tham gia buổi workshop “Hi CV” do Đoàn khoa báo chí và truyền thông tổ chức. Qua phân tích của diễn giả, tôi nhận ra phần giới thiệu bản thân không nên trình bày quá dài và tham vọng. Hay ở những kỹ năng cần ghi rõ chứ không nên chỉ liệt kê. Hiện tại, tôi đã có công việc bán thời gian cho một công ty truyền thông như mong muốn”, Thiên Thanh chia sẻ.

Tương tự, Trần Ngọc Thanh cũng từng mắc phải những lỗi cơ bản khi trình bày CV như font chữ khó nhìn, CV có nhiều màu sắc, chọn ảnh chưa phù hợp để xin việc… Sau khi tham gia workshop “Kỹ năng viết CV chinh phục nhà tuyển dụng” do Đoàn khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức, Ngọc Thanh học được cách viết CV đơn giản, rõ ràng, hạn chế ký tự đặc biệt để tăng sự chuyên nghiệp và có thể chinh phục nhà tuyển dụng. Nhờ nhận ra những lỗi trên, nữ sinh viên này đã tìm được công việc trợ giảng bán thời gian cho một trung tâm tiếng Anh.

Khi sinh viên thử sức làm ban tổ chức chương trình

Hiện nay, nhiều sinh viên lo ngại tham gia tổ chức chương trình CLB sẽ mất thời gian và ảnh hưởng đến việc học. Đứng ngoài những nỗi lo đó, tuy phải đối mặt với những khó khăn nhất định, một số sinh viên lựa chọn trở thành thành viên của ban tổ chức các chương trình để có cơ hội thử sức với những điều mới mẻ và đồng thời làm đẹp CV xin việc sau này.

Kể về những khó khăn khi làm chương trình, Nguyễn Hoàng Thẩm Nhu (20 tuổi, sinh viên khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM-phó chủ nhiệm CLB Sân khấu và Điện ảnh) còn nhớ những lần vất vả khi hẹn khách mời tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, những hoạt động do CLB sinh viên tổ chức sẽ không có nhiều kinh phí để chi trả cho khách mời, địa điểm…

Từ trái sang phải: Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu, nghệ sĩ Hồng Trang, tiến sĩ Lê Hồng Phước trong buổi talkshow do sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức

TRIỆU HÀ

Ngoài ra, trong hoạt động tiền kỳ và hậu kỳ, các thành viên trong ban tổ chức sẽ không tránh khỏi những lần cãi vã hay bất đồng quan điểm. Những lúc như thế, Nhu thường lựa chọn sẽ có một buổi gặp riêng và trao đổi thẳng thắn để giải quyết vấn đề khúc mắc, từ đó cũng học thêm về cách làm việc nhóm.

Tuy không thể tránh khỏi những khó khăn, với Nhu, tham gia tổ chức sự kiện giúp nữ sinh mở rộng quan hệ với nhiều người đi trước và có thêm kinh nghiệm phong phú để bổ sung vào hồ sơ xin việc sau này.

Đông đảo sinh viên đến tham dự sự kiện của CLB Sân khấu và Điện ảnh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

TRIỆU HÀ

“Làm chương trình khi còn học đại học gần như sẽ không có một nguồn thu nhập nào mà trái lại còn phải bỏ tiền túi khi cần. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn thích tham gia làm vì tôi biết các bạn sinh viên cần có nơi để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải và không dễ gì để họ có thể tiếp cận được các chuyên gia”, Nhu bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.