Học giả An Chi đã thôi 'miền chữ nghĩa', về rong chơi với cõi khác nhẹ nhàng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
12/10/2022 19:06 GMT+7

Sau thời gian chống chọi với bệnh tật và tuổi già, trái tim vị học giả tên tuổi Việt Nam - An Chi - ‘kho báu” từ nguyên đã lặng lẽ ngừng ở tuổi 88, chấm dứt những ngày tháng ông Rong chơi miền chữ nghĩa ở cõi nhân gian.

Trong một lần ra mắt sách Rong chơi miền chữ nghĩa tại NXB Tổng hợp TP.HCM, học giả An Chi kể : “Tôi vốn sinh ra học giỏi… toán nên từng theo học bộ môn này ở trường Sư phạm. Sau này bạn bè khuyên tôi học mấy môn khoa học xã hội tốt nghiệp dễ xin việc làm nên tôi mới chuyển hướng qua… văn học. Nhờ có vốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và chữ Hán nên tôi có thể đọc nhiều loại sách khác nhau".

Học giả An Chi kể : “Tôi vốn sinh ra học giỏi… toán nên từng theo học bộ môn này ở trường Sư phạm. Sau này bạn bè khuyên tôi học mấy môn khoa học xã hội tốt nghiệp dễ xin việc làm nên tôi mới chuyển hướng qua… văn học

Cũng theo cụ An Chi: "Năm 9 tuổi, loạn lạc xảy ra liên miên nên gia đình cho tôi về Chợ Lớn học ở mấy trường người Tàu dạy nên tôi có bạn bè là người Hoa nhiều. Mấy tiệm gần nhà mua sách báo cân ký về gói hàng nên tôi hay qua chơi lùng đọc, nhờ vậy mà trau dồi, biết thêm nhiều kiến thức. Phía trước nhà, ba má tôi cho chị bán tạp hóa người Quảng Đông hành nghề nên rảnh rỗi tôi lại thọ giáo chị về cách phát âm chuẩn nhất. Sau này mới có điều kiện và vốn liếng từ ngữ để viết lách tranh luận với các cây đa cây đề trong lĩnh vực này…”.

Rồi đến chuyện ông dám đụng chạm tới các tượng đài ngôn ngữ thời đó như Đào Duy Anh, Lê Ngọc Trụ, Đặng Thai Mai...cũng gây nhiều phiền toái không đáng có. Ông nhớ mãi cố GS Nguyễn Lân từng chửi ông rất nặng lời 3 lần. Căng thẳng đến mức Hội Nhà văn TP.HCM phải đứng ra tổ chức họp giữa nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Sĩ Sáu và… đương sự Huệ Thiên buộc ngưng chuyên mục do ông phụ trách 5 kỳ.

Thanh thản rong chơi ở một cõi khác nhẹ nhàng

Trong thời gian đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng hiến kế cho ông tiếp tục viết nhưng phải ký tên khác để tránh rắc rối. Nhà văn Hàn Tấn Quang chủ biên Kiến thức ngày nay đặt bút danh mới là Lão Ngoan Đồng (tên một nhân vật trong Anh hùng Xạ Điêu) nhưng ông không thích lắm. Cuối cùng Huệ Thiên mới tự chọn cho mình tên mới là An Chi như sự an nhiên tự tại, không muốn sinh sự với ai nữa.

PGS – TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng từng chia sẻ tình cảm ấm áp về cụ An Chi: “Tôi có hai người thân là thầy Cao Xuân Hạo với anh An Chi. Ở hai người này có điểm giống nhau là đều tự học và đạt đến trình độ chuyên gia. Lúc đó họ là những chuyên gia tử tế mà giới học hành đầy đủ ở các trường vẫn phải kính phục. Nhưng hai người này khác nhau: Ông Cao Xuân Hạo nặng về lý luận thì con đường đi của An Chi thì khác, anh không muốn làm lý luận kiểu đó mà theo từng việc cụ thể. Ví dụ: Anh bàn đến từng câu thành ngữ cụ thể, từ nguyên của một từ cụ thể. Nếu đọc các tập Chuyện Đông chuyện TâyNhững tiếng trống qua cửa các nhà sấm sẽ thấy được công lao anh ấy như thế nào. Có những vấn đề phải đến An Chi người ta mới nhận thức được như vậy, mà trước anh người ta không thấy. Thầy Cao Xuân Hạo và học giả An Chi đều có tinh thần suy nghĩ độc lập. Ông Hạo là thầy chính thức của tôi, còn An Chi là thầy tuyên chính thức nhưng cái gì tôi không biết tôi đều điện tôi hỏi. Dù làm ngôn ngữ nhưng tôi có nhiều chuyện tôi cũng không biết phải hỏi anh An Chi”.

Học giả An Chi lúc còn trẻ

NVCC

Bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa nổi tiếng của ông

Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, còn có các bút hiệu khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Ông sinh ngày 27.11.1935 tại Sài Gòn, quê Gia Định (nay là Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

NVCC LÚC SINH THỜI

Học giả An Chi cả một đời đau đáu với chữ và đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ chữ nghĩa. Ngay cả việc biên soạn từ điển, ông còn gay gắt: "Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc. Dứt khoát phải như thế. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc chứ trong thực tiễn thì, nói chung, từ điển, dù có hoành tráng đến đâu, cũng khó lòng có thể tránh được sai sót một cách tuyệt đối”.

Ông phân tích: “Hoành tráng đến như Grand Larousse encyclopédique en 10 volumes (1963) mà còn lấy ảnh ông Phạm Văn Đồng để minh họa cho mục “Vo- Nguyen-Giap” (Võ Nguyên Giáp), như chúng tôi đã chỉ ra ngày nào trên Kiến thức ngày nay số 335. Đồ sộ đến như The Encyclopedia of LANGUAGE and LINGUISTICS, 10 vols, do R. E. Asher làm tổng chủ biên (Pergamon Press, First Edition 1994) mà còn ghi chú “mệnh” [命] là “density” (tỷ trọng) thay vì destiny tại mục “Vietnamese Writing System” (Vol. 9, p. 4935). Nhưng cái sai của hai bộ đại từ điển trên đây có nhiều phần chắc chắn không phải do lỗi của người soạn thảo mà do khâu trình bày. Còn sai hoặc thiếu ý do biên soạn thì danh tiếng đến như từ điển của Oxford cũng đâu có tránh khỏi, như chúng tôi đã nêu trên Kiến thức ngày nay số 232 và đặc biệt là trên số 143 về danh từ canary. Danh từ này được Oxford Advanced Learner’s Dictionary giảng là “a small yellow bird with a beautiful song, often kept in a cage as a pet” (chim nhỏ màu vàng, có tiếng hót hay, thường nhốt trong lồng làm [chim] kiểng).

Nhiều người hay tò mò về bút danh Huệ Thiên, ông An Chi bật mí: "Má tôi cũng không biết nên hay hỏi lắm, cứ thắc mắc Huệ Thiên là sao? Vì sao tôi lại đặt như vậy. Tôi trả lời đơn giản: Thiện Hoa tên thật nói lái ra thành Họa Thiên, mà cả trời tai họa thì nghe ghê quá nên tôi chệch ra một chút Huệ Thiên, nhiều người nghĩ một trời hoa huệ nhưng theo tôi nghĩa chính xác nhất là vẻ tươi tắn của cây cỏ”.

Cụ An Chi trong một lần ra mắt sách Rong chơi miền chữ nghĩa tại NXB Tổng hợp TP.HCM

Ông thực sự là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, tự học hành và tự nghiên cứu uyên bác

QUỲNH TRÂN

Hiện linh cữu của học giả An Chi quàn tại 482/52C Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 21 giờ 30 phút ngày 12.10, động quan lúc 13 giờ ngày 14.10. Sau đó linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Xin vĩnh biệt học giả An Chi, một kho báu tài nguyên vô giá ở kiếp này để ông lại thanh thản rong chơi ở một cõi khác, nơi ấy chắc sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn cõi trần gian khó nhọc này nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.