Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng bánh lớn nhỏ ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương bắt đầu giới thiệu các lớp chia sẻ, trao đổi kiến thức và kỹ năng làm bánh trung thu cho bạn trẻ. Các lớp này khá đa dạng, từ làm bánh: trung thu truyền thống, trung thu 3D, trung thu dẻo đến các loại tạo hình.
Nguyễn Huỳnh Thiên Hương (20 tuổi), làm việc tại đường số 9, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết thay vì mua bánh trung thu bán sẵn ngoài tiệm, Hương muốn tự tay làm bánh tặng người thân. Cuối tuần, cô gái đến lớp làm bánh trung thu thủ công và được hướng dẫn nhào bột, nặn nhân, tạo hình, ép khuôn bánh với nhiều kiểu dáng xinh xắn.
Cầm trên tay 4 chiếc bánh có kích thước nhỏ với hình: hoa sen, hoa mai, hoa hồng sặc sỡ, Hương không nỡ ăn. Cô gái chia sẻ: "Mình không ngờ làm một chiếc bánh tốn nhiều công sức như vậy, nhìn đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy cầu kỳ. Tuy nhiên làm bánh giúp mình tập trung, quên đi căng thẳng, thấy nhẹ nhàng, thoải mái và háo hức với sản phẩm mình làm ra. Mình đem bánh về tặng người thân xem như là quà trung thu sớm".
Làm bánh trung thu truyền thống hay bánh trung thu dẻo có giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/buổi.
Chị Đinh Thị Tuyết, thợ bánh có nhiều năm kinh nghiệm, ngụ đường số 9, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ hiện nay bánh trung thu "nhà làm" được ưa chuộng vì không dùng phụ gia, chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng.
Ngoài thưởng thức, mọi người cũng có nhu cầu trải nghiệm làm bánh, tuy nhiên không phải ai cũng trang bị đầy đủ dụng cụ, nguyên liệu, lò nướng để tự làm bánh tại nhà. Do vậy, từ 2 tuần nay, chị Tuyết bắt đầu mở các lớp hướng dẫn làm bánh tại tiệm của mình.
"Không chỉ bạn thanh niên mà gia đình có trẻ nhỏ cũng rất thích hoạt động làm bánh này. Mọi người có thời gian gắn kết bên nhau, tạo kỷ niệm đẹp và mang về nhà một món quà đặc biệt", chị Tuyết nói và cho biết trong quá trình hướng dẫn khách làm bánh, chị tỉ mỉ chọn nguyên liệu, chú trọng chất lượng bánh làm ra vừa an toàn, vừa thơm ngon, đẹp mắt. Vì mỗi sản phẩm dù lớn hay nhỏ cũng thể hiện uy tín, bộ mặt của tiệm.
So với những loại bánh trung thu khác, bánh trung thu dẻo và bánh trung thu truyền thống được nhiều người nhận xét khá dễ làm và phù hợp cho ai lần đầu trải nghiệm.
Chị Huỳnh Thị Thu Hằng, chủ tiệm bánh ở đường Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, chuyên mở các lớp dạy làm bánh hơn 5 năm nay, cho biết với bánh trung thu dẻo, người làm mất từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành. Còn bánh trung thu truyền thống sẽ mất nhiều thời gian hơn.
"Tham gia buổi làm bánh trung thu, bạn trẻ sẽ được giới thiệu các loại bột làm bánh, tự tay trộn bột, nặn nhân đậu xanh, trà xanh, đậu đỏ, đóng bánh theo khuôn rồi đem đi nướng. Hấp dẫn nhất ở khâu nướng và chờ bánh chín, mùi thơm ngậy của bánh nướng", chị Hằng nói và chia sẻ muốn có chiếc bánh trung thu đẹp, người làm cần dùng nhiều lực khi đóng bánh để bánh có hình dáng góc cạnh, sắc nét hơn.
Chị Đặng Ngọc Ánh, Phó chủ nhiệm CLB Bếp bánh, Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, cho biết học làm bánh trung thu hiện nay được nhiều người yêu thích. Mỗi lớp học chỉ nhận khoảng 6 người tham gia và làm bánh với số lượng ít, nên việc chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Mê mẩn bánh trung thu tạo hình gà Đông Tảo, quán cà phê tinh xảo như khắc gỗ
Ngoài ra, các bạn trẻ học làm bánh được hướng dẫn bởi những người có kinh nghiệm, lành nghề, nơi tổ chức cũng là địa điểm gần gũi, thân thuộc với người làm bánh nên việc an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo.
Bánh trung thu làm thủ công có thể bảo quản trong 1 tuần. Bánh sau khi làm được khuyên không nên ăn liền mà đợi 1, 2 ngày sau mới thưởng thức, khi đó bánh sẽ thơm ngon hơn.
Bình luận (0)