Trong lớp học, đầu tiên, các bạn hóa trang thành người nước ngoài và hòa vào những vũ điệu sôi động đón chào năm mới. Tiếp đó là tìm hiểu những xu thế tình nguyện nổi bật của tuổi teen trên thế giới, đồng thời làm quen với những thói quen có ích.
Vào vai người già
Đặc biệt, hào hứng nhất là khi họ chia nhóm để đóng các tiểu phẩm về tình huống ứng xử trong gia đình. Dương Ngọc Hải, học sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản (Q.9), vào vai... ông già lãng tai. Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Anh Minh, học sinh lớp 8 trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình) lại làm... cháu nội. Cháu nói một đàng, ông nghe một nẻo khiến cả lớp ôm bụng cười lăn. Cuối câu chuyện, “cụ” Hải mới thốt ra một câu “trúng tim đen” của “thằng cháu”: “Đứa nào đang nói tao nặng tai đó bây?!” .
Ở nhóm khác, một bạn gái tuổi teen đóng vai người bà mới từ quê lên thành thị sống, mang theo cả thói quen ăn trầu và nhổ bã khắp nơi. Điều này khiến con cháu trong nhà không hài lòng. Chỉ đến khi có một đứa cháu cởi mở trò chuyện, “bà cụ” mới nhận ra bức xúc của con cháu và hứa sẽ không nhổ bã trầu lung tung nữa...
Bắt buộc học kỹ năng mềm Ngày 20.1, ĐH Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa I, đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (SV). Kể từ năm học này (2009-2010), ĐH Quốc gia Hà Nội ra quy định kỹ năng mềm là môn học bắt buộc đối với SV các hệ chất lượng cao. Nếu không đủ 5 chứng chỉ về các kỹ năng mềm (ví dụ: giao tiếp, hùng biện, làm việc nhóm...) SV sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp. SV được chọn 5 khóa học tương đương 5 chứng chỉ trong danh mục 20 khóa học kỹ năng mềm do Tập đoàn giáo dục GK Corporation liên kết đào tạo, nhà trường hỗ trợ toàn bộ kinh phí. Káp Thành Long |
Theo anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam và là người trực tiếp đứng lớp, qua việc thay nhau đóng vai con cái và cha mẹ/ông bà, những bạn trẻ sẽ hiểu hơn về nhu cầu và tâm sinh lý của người già để có những ứng xử phù hợp.
“Cố gắng không làm cha mẹ buồn nữa”
Đến từ tỉnh Tây Ninh, Thanh Trúc (học sinh lớp 12) cho hay khóa học đầu tiên giúp bạn “sở hữu” được nhiều thứ mà trước đó Trúc không biết hoặc biết lơ mơ. Trúc chia sẻ: “Mẹ em làm bác sĩ, hay trực đêm vắng nhà. Nhờ lớp học này, em biết được cách ứng xử với khách khi người lớn đi vắng. Ngoài ra, có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng rất hữu dụng trong cuộc sống. Chẳng hạn như uống nước ở vị trí nào của cái ly/ca có thể giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh từ người khác? Hay mỗi khi hắt hơi, lấy mu bàn tay hay lòng bàn tay che miệng thì tốt hơn?...”.
Còn Lê Hoàng Quang Long (học sinh lớp 7/13 trường THCS Tân Bình) thì khoe: “Em học được cách cười nhiều, sống có tình có nghĩa, làm việc nhóm và đoàn kết”. Một bạn trẻ khác tâm đắc: “Biết sống an bình nội tâm là rất tốt”...
Riêng bạn Vũ Trung Đông, ngụ ở tỉnh Đồng Nai, hiện là sinh viên năm thứ hai trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trút nỗi niềm: “Mình từng khiến cha mẹ lo lắng nhiều. Mình rất ít bạn bè. Cái dở nhất của mình là không biết kiềm chế, mỗi khi giận dỗi ai đều xả hết vào game. Nhiều lúc mình ngỡ sống được bằng game online nhưng thực ra đó chỉ là ảo tưởng”. Đông nói thêm: “Sở thích cũ khó bỏ được chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng mình sẽ cố gắng không làm cha mẹ buồn nữa”.
Trước câu hỏi cắc cớ: “Đăng ký học làm người có ích, phải chăng trước đây bạn sống... chưa có ích?”, Minh (học sinh lớp 8, Q.Tân Bình) nhẹ nhàng phản biện: “Muốn biết điều gì thì cũng phải học. Trước đây mình đã có ích chút chút thì nay học để thành người có ích nhiều hơn!”.
* “Mình xung phong đóng vai ông già lãng tai là vì muốn hiểu hơn về thế giới người già, trong đó có ông bà của mình. Ngoài đời, mình thấy có những người đành lòng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão. Những người con ấy nhất định sau này sẽ... già đi. Khi đó họ sẽ hiểu cha mẹ mình từng cô đơn như thế nào! Nhưng có lẽ mọi chuyện đã muộn...”. (Dương Ngọc Hải, học sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9) * “Ông bà mình đã mất khi mình còn nhỏ xíu. Dù vậy, mỗi khi đến chơi nhà ai có người lớn tuổi, mình hay để ý xem con cháu trong nhà ấy đối xử với họ như thế nào. Theo mình, hiện có không ít bạn tuổi teen như mình còn thiếu quan tâm, thậm chí có những hành động thiếu tôn trọng và làm buồn lòng ông bà”. (Nguyễn Hoàng Anh Minh - học sinh lớp 8 trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình, đóng vai “cháu nội”) |
Như Lịch
Bình luận (0)