Chương trình có sự tham dự của học sinh (HS) các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, được phát trực tiếp trên các kênh: thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên. Đặc biệt, chương trình có sử dụng flycam để tường thuật trực tuyến không khí của ngày hội.
tin liên quan
[TRỰC TIẾP] Học cao đẳng hay đại học có tương lai tốt hơn?
Tham dự chương trình, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, lưu ý với học sinh: “Hãy nhớ rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, người giàu nhất thế giới năm 2014 với tài sản 77,8 tỉ USD, là người chưa từng tốt nghiệp ĐH”.
Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi từ học sinh tham dự trực tiếp và tương tác trên fanpage Facebook của Báo Thanh Niên.
Một học sinh Trường THCS-THPT Lê Lợi (Bình Thuận) đặt câu hỏi trực tiếp: “Em muốn trở thành phi công thì nên học trường nào, xét tuyển bằng tổ hợp gì?”
Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin đào tạo phi công hiện gồm 2 hệ: phi công dân sự và phi công quân sự.
Trong đó, phi công quân sự phải học tại Học viện Phòng không- không quân. Muốn xét tuyển vào trường này, theo quy định phải sơ tuyển để đáp ứng các yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Sau đó đăng ký xét tuyển bằng nguyện vọng 1 bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Còn hệ phi công dân sự hiện ở VN chưa có trường ĐH nào đào tạo. Thay vào đó, hệ này chỉ được đào tạo tại một số trung tâm hoặc trường huấn luyện của các hãng hàng không trước khi được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
“Tuy nhiên, chi phí một khoá học phi công dân sự có thể lên tới 300.000 USD. Vì vậy các em cần có sự cân nhắc nhất định về định hướng này”, tiến sĩ Vũ lưu ý.
Giải đáp câu hỏi của một HS Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Bình Thuận) về trường ĐH đào tạo lái xe, tiến sĩ Anh Vũ cho hay, hiện không có trường ĐH và CĐ nào đào tạo nghề này. Hiện việc đào tạo lái xe chỉ ở các trung tâm đào tạo ngắn hạn.
HS Thanh Triết (Trường THPT Lê Lợi, Bình Thuận) quan tâm đến cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ Anh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, giải đáp, trong thời điểm hiện nay có khả năng tiếng Anh sẽ đồng nghĩa với cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt. Điều này không chỉ với riêng ngành ngôn ngữ Anh mà với bất cứ ngành học nào.
Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, tiếng Anh là môn học mà nhiều người sợ. Nhưng nếu nỗ lực thì 4 năm học ĐH là khoảng thời gian đủ để trang bị kiến thức và kỹ năng. “Hãy đối diện và học tập tiếng Anh một cách nghiêm túc để có được ưu thế vượt trội khi cạnh tranh thị trường lao động tương lai”, ông Tư khuyên.
Liên quan đến ngành học trí tuệ nhân tạo, PGS-TS Phan Đức Hùng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải đáp, năm nay trường ĐH này có mở ngành robot và trí tuệ nhân tạo. Đây là ngành có tính chất xuyên ngành khi kết hợp nhiều ngành nghề như cơ khí, điện điện tử và công nghệ thông tin. Với ngành mới này, trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và miễn học phí nhưng đòi hỏi ngược lại học lực thí sinh phải tốt. Ngoài ra, thí sinh có thể học các ngành cơ điện tử, tự động hoá… để có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Bình luận (0)