Vấn đề nhạy cảm, cần rõ ràng
Chủ trương của Bộ GD-ĐT trong việc đưa ra quy định về đóng góp của cha mẹ học sinh cho trường công lập là cần thiết. Theo số liệu chưa chính thức của năm 2008, tỷ trọng đóng góp của cha mẹ học sinh tiểu học ở Việt Nam chiếm trên 30% tổng chi phí giáo dục. Tỷ lệ này tăng dần ở cấp THCS và THPT. Một lượng kinh phí lớn đòi hỏi có một khung quy định quản lý tương xứng. Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhận thức rõ điều này và do vậy đều có những quy định rõ ràng, chặt chẽ.
Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm, kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến. Trường công lập sử dụng ngân sách nhà nước để trang trải hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu về giáo dục của người dân ở quốc gia đó. Về nguyên tắc, việc học trong trường công lập không phải đóng học phí. Nhưng vì ngân sách nhà nước đầu tư cho các trường công ngày càng eo hẹp do nhu cầu về số lượng, chất lượng, dịch vụ giáo dục ngày càng tăng cao nên trường công lập luôn luôn bị thiếu nguồn lực, thiếu ngân sách để thực hiện sứ mạng giáo dục.
Do vậy, việc các trường công phải tìm kiếm các nguồn lực khác nhau để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của mình là phổ biến. Một trong những nguồn lực đó chính là huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh. Chẳng hạn ở Anh, một năm cha mẹ có thể phải đóng góp cho một trẻ học tiểu học công lập tới 700 bảng, cấp trung học có thể lên tới hơn 1.000 bảng. Cũng như Việt Nam, ở các nước này, quan điểm và thái độ của xã hội về sự đóng góp của cha mẹ rất khác nhau: người đồng ý, người không ý kiến gì, người thì phản đối quyết liệt.
Cũng chính vì sự nhạy cảm, phức tạp của vấn đề này nên ở nước ngoài họ có quy định rất chi tiết, rõ ràng về sự đóng góp của cha mẹ đối với các trường công lập.
|
Ba hệ quả lớn
Đối với nước ta, việc cho phép một số lớp và một số nhóm lớp chất lượng cao trong nhà trường rõ ràng sẽ gây ra sự bất bình đẳng, khiến học sinh của những gia đình không có điều kiện đóng góp cảm thấy tủi thân. Có những vấn đề cần phải xem xét khi thực hiện mô hình trường công lập chất lượng cao (hoặc lớp chất lượng cao trong trường công lập) tách bạch hoàn toàn những trường công lập bình thường khác.
Đầu tiên, điều này rất dễ dẫn đến sự bóp méo chức năng của trường công lập, nơi sử dụng ngân sách của nhà nước để đảm bảo quyền lợi học tập của đa số dân cư ở khu vực trường đóng. Đối với những gia đình có điều kiện, họ chỉ cần thêm một chút tiền vào khoản ngân sách đã chi trả, nghiễm nhiên họ được hưởng một dịch vụ giáo dục chất lượng cao, thuận tiện, sang trọng hơn ở trường công lập bình thường… Trong khi đó, đáng ra, nếu họ muốn hưởng một điều kiện như vậy thì phải học ở trường tư thục và đóng góp số tiền lớn hơn nhiều. Như vậy, mô hình này vô tình tạo điều kiện cho một nhóm người “chiếm đoạt” ngân sách nhà nước đầu tư trường công lập để hưởng thụ một chất lượng giáo dục cao hơn. Sứ mạng của nhà trường công lập bị bóp méo.
Cho phép trường công lập đi theo mô hình trường chất lượng cao sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức giữa trường công và trường tư. Nếu như trường công lập có sứ mạng đáp ứng nhu cầu giáo dục của đại đa số dân chúng thì trường tư thục đáp ứng nhu cầu đặc biệt của nhóm nhỏ dân số. Nếu chúng ta lại cho phép trường công lập huy động thêm đóng góp của người dân để trở thành trường chất lượng giáo dục rất cao, dịch vụ giáo dục rất tốt… thì chỉ khiến cho các trường tư thục ngày càng thua dần trong cuộc cạnh tranh vốn đang khó khăn hiện nay. Các trường tư phải tự trang trải tất cả các chi phí đào tạo nên chắc chắn họ không thể cạnh tranh với trường công lập về học phí được. Mỗi loại trường có một sứ mạng của nó và chúng ta không thể lẫn lộn sứ mạng của hai loại hình trường này.
Mô hình này đẩy thêm gánh nặng học hành đối với những người dân có thu nhập trung bình, thấp trong xã hội hiện nay. Bởi ngôi trường vốn xây lên để cho tất cả dân số trong địa bàn, dù giàu dù nghèo đều có cơ hội vào học. Nếu phải đóng góp thêm ở một mức độ không chấp nhận được, một bộ phận con em của những gia đình nghèo khó hơn buộc phải “bật” khỏi trường đó để tìm một trường khác có mức đóng góp phù hợp với khả năng của mình. Nếu các trường công đều có khoản đóng góp cao thì nhóm học sinh này buộc phải tìm đến trường tư. Điều này lại dẫn đến sự bóp méo cả chức năng của trường tư. Chưa nói đến nguy cơ bỏ học, thất học.
Nếu nói rằng chỉ xây dựng trường công lập chất lượng cao ở những vùng kinh tế khá giả thì cũng phải hết sức cẩn trọng, bởi điều đó sẽ làm cho khoảng cách chất lượng giáo dục của các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau ngày càng rộng ra chứ không thể đạt được mục tiêu rút ngắn khoảng cách này như chúng ta vẫn mong muốn. Mặt khác, còn có thể gây ra hiện tượng ùn tắc về nhu cầu học tập của những trường chất lượng cao, trong khi đó những trường khác thì lại vắng vẻ, thưa thớt người học, dẫn đến lãng phí về nguồn lực.
Trong điều kiện về tài chính có hạn, trách nhiệm của nhà nước phải sử dụng làm sao để lượng tiền đó đủ đảm bảo chất lượng giáo dục cơ bản ở những bậc học phổ cập, nhu cầu học tập phù hợp. Còn để đáp ứng những nhu cầu giáo dục đặc biệt, cao cấp hơn thì phải mạnh dạn để các trường tư thục làm. Nhà nước không thể ôm tất cả các loại hình như vậy được.
Quy định đóng góp của phụ huynh ở các nước Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ và Anh thì sự đóng góp của cha mẹ cho các trường quy định như sau: Các loại đóng góp mang tính chất tài trợ chung, gia đình nào khá giả thì tài trợ một khoản lớn cho nhà trường, mục đích sử dụng là vì lợi ích chung của học sinh toàn trường chứ không riêng cá nhân hay một vài lớp nào; khoản đóng phí cho những môn học, khóa học tự chọn không có trong chương trình quốc gia, ví dụ các môn năng khiếu; hỗ trợ cho nhà trường về trang thiết bị dạy học. Sự đóng góp tự nguyện này phải dựa trên những nguyên tắc hết sức cơ bản: Không bắt buộc, không có sự kỳ thị nào với học sinh mà cha mẹ không có đóng góp, giữ kín việc có đóng góp hoặc không, kinh phí đóng góp phục vụ chung cho hoạt động của nhà trường, cả học sinh có cha mẹ đóng góp lẫn không đóng góp đều được hưởng một mặt bằng giáo dục như nhau. |
>> Lớp “VIP” trong trường công - Kỳ 3: Sẽ điều chỉnh những bất hợp lý
>> Lớp “VIP” trong trường công - Kỳ 2: Không thể mập mờ công - tư
>> Lớp “VIP” trong trường công
GS-TS Nguyễn Lộc
(Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
Bình luận (0)