Học phí trường đại học tư tăng vì trượt giá

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
10/07/2019 07:05 GMT+7

Trong năm học 2019 - 2020, đa số các trường ĐH tư thục sẽ tăng học phí khoảng 5 - 10% tùy trường. Lý do các trường đưa ra là để bù trượt giá ở các khoản đầu tư cho sinh viên. Cũng theo các trường, nếu tăng lên không quá 10% thì ở mức chấp nhận được.

 

Các trường đều tăng

Ngày 20.6.2019, Trường ĐH Hoa Sen đã có thông báo học phí nhập học đối với bậc ĐH khóa 2019. Theo đó, học phí các ngành dao động trong khoảng 21 - 28,8 triệu đồng/học kỳ. Mức học phí này tăng so với năm ngoái khoảng 10%.
Nằm trong lộ trình tăng hằng năm, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng tăng học phí. Năm học tới trường tăng khoảng 5%. Cụ thể, ngành dược khoảng 18 - 20 triệu đồng/học kỳ, các ngành còn lại khoảng 15 - 16 triệu đồng/học kỳ.
Sau khoảng 5 năm không tăng học phí, trong cuộc họp gần đây, Hội đồng quản trị Trường ĐH Nguyễn Tất Thành quyết định từ năm học tới sẽ tăng xấp xỉ 5% so với năm ngoái.
Trường ĐH Duy Tân cũng sẽ tăng học phí lên khoảng 5 - 6%, dao động ở mức 8,8 - 15,2 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành bác sĩ đa khoa, răng - hàm - mặt học phí ở mức 26 triệu đồng/học kỳ.

Chi phí đầu tư lớn


Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, học phí các trường ĐH tư thục thường được xác định bằng chi phí đầu tư trên mỗi sinh viên. Chi phí này bao gồm tiền đầu tư vào cơ sở vật chất, thực hành, thực tập, trang thiết bị, giáo trình, giảng viên… Nhiều trường còn đầu tư cho học bổng sinh viên. Vì vậy, thông thường trường công lập sẽ có chi phí đầu tư ít hơn trường tư thục. Điều này cũng lý giải học phí những ngành học khối xã hội nhân văn, kỹ thuật sẽ thấp hơn các ngành khối sức khỏe, du lịch… Khối ngành sức khỏe phải đầu tư thiết bị học tập, thực hành với số tiền rất lớn. Ngành du lịch cũng phải đầu tư lớn để sinh viên đi thực tập theo tour…
Cũng theo tiến sĩ Hải, việc các trường tư tăng học phí cũng dựa trên những điều này. Chi phí hiện tại đều tăng lên, bắt buộc học phí phải tăng lên vì trượt giá. Tuy nhiên, thông thường nếu tăng lên không quá 10% thì vẫn ở mức chấp nhận được. Vì số tiền tăng lên gần như chỉ bù được cho trượt giá. Hiện nay, hầu hết các trường cũng cam kết sẽ không tăng học phí trong suốt khóa học của sinh viên. Nghĩa là sinh viên sẽ đóng một mức học phí như nhau trong suốt 4 năm học.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết hầu như vào đầu mỗi năm học, trong sổ tay sinh viên, các trường ĐH tư đều công khai về học phí và lộ trình tăng học phí (nếu có). Một số trường như ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM còn cam kết tăng không quá 7%/năm.
Theo tiến sĩ Quốc Anh, việc cam kết này là có cân nhắc. Nếu tăng quá cao thì sinh viên sẽ phản ứng ngay lập tức. Trong khi đó, lạm phát của VN mỗi năm cũng tăng khoảng 6 - 8%. Trang thiết bị phải khấu hao, cơ sở vật chất mở rộng mỗi năm. Tiền lương giảng viên cũng chỉ tăng theo năm chứ không giảm được.
Ở một góc độ khác, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết hiện nay mức học phí các trường đều được công khai, kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ việc làm… Thông tin này sẽ giúp phụ huynh, học sinh tham khảo chọn trường. Phụ huynh cần lưu ý là học phí các trường thu có đi kèm với việc đầu tư hay không? Quy chế hiện nay cũng cho phép phụ huynh, học sinh đến các trường tham quan trước khi chọn học. Những giá trị hữu hình này là điều cần được cân nhắc, sau đó là các giá trị vô hình khác như học thuật, chất lượng giảng dạy…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.