Học sinh “cùng nhau đến trường” khai giảng và học tập!

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
14/09/2021 14:13 GMT+7

Ngày 13.9, tất cả học sinh tại Trường tiểu học Việt Anh (TP.Cà Mau) đã tham dự một buổi khai giảng hết sức đặc biệt. Mỗi học sinh vẫn có mặt tại sân trường nhưng không phải sân trường thật mà trên nền tảng thực tế ảo.

Sáng ngày 13.9, Trường tiểu học Việt Anh (TP.Cà Mau) đã phối hợp cùng Công ty JK Technologies để tổ chức lễ khai giảng trực tuyến, nhằm thích ứng với tình trạng giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía nam. Nhưng đây là một buổi khai giảng hết sức đặc biệt. 

Học sinh có thể "gặp nhau"!

Trước khi lễ khai giảng bắt đầu, mỗi giáo viên, phụ huynh, học sinh được cấp một tài khoản. Nhưng tài khoản này không phải giúp người truy cập tham gia theo dõi buổi khai giảng theo dạng video Conference (Hội nghị truyền hình) mà mỗi người sẽ là một thành viên "có mặt" tại sân trường trong ngày khai giảng này. 
Theo đó, cảnh quan trường học được tái hiện trong môi trường 3D. Học sinh, phụ huynh có thể bước vào tham dự trực tiếp trong chính không gian này. Mỗi tài khoản sẽ là một học sinh, khách mời có mặt trên sân. Mọi người có thể tự do di chuyển trong sân trường “ảo”, gặp lại nhau theo cách hết sức thú vị giữa mùa giãn cách.

Học sinh "tham dự" lễ khai giảng cùng nhau

Ảnh chụp màn hình

Những hoạt động của buổi lễ khai giảng đều được tái hiện trong không gian ảo này để mọi người có thể tham dự. Ấn tượng nhất là khi chào cờ, mỗi học sinh cũng sẽ "hóa thân" vào nhân vật của mình để tham dự trong tiếng nhạc Quốc ca vang lên trong buổi lễ. 
Công nghệ mà trường này áp dụng cho chương trình khai giảng này là Seensio - nền tảng họp mặt trực tuyến VR (thực tế ảo), do JK Technologies phát triển. Ra mắt vào tháng 08.2021, Seensio là ứng dụng “mạng xã hội VR” đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Seensio tái tạo các địa danh có thật ngoài đời trong không gian số và cho phép hàng triệu người dùng kết nối, gặp gỡ và tương tác với nhau bằng nhiều bộ công cụ sáng tạo. Một điểm đặc biệt của Seensio là khả năng kết nối đa nền tảng: Windows, iOS, Android và VR Headset (kính thực tế ảo). 

Giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng nghe cô hiệu trưởng phát biểu

Ảnh chụp màn hình

Việc ứng dụng VR vào các lĩnh vực kể trên là điều không mới lạ, mà vốn đã nở rộ trong khoảng 1 - 2 năm gần đây. Tuy nhiên, chưa nhiều nền tảng VR có thể mở rộng tính năng theo hướng “mạng xã hội”, đồng thời hỗ trợ cho nhiều chủng loại thiết bị khác nhau. Trên thế giới, Facebook Horizon cũng là một nền tảng có nhiều sự tương đồng như Seensio, nhưng hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và chưa triển khai thương mại hóa. Ở thời điểm hiện tại, Seensio đang cho phép sử dụng miễn phí và chỉ thu phí dịch vụ đối với khách hàng là doanh nghiệp. Đã có khá nhiều địa điểm nổi tiếng ngoài đời thật được tái hiện trong không gian số của Seensio, chẳng hạn như đường sách TP.HCM, các khu phố ẩm thực nổi tiếng... Các lớp học trên không giản ảo cũng là một điều hướng tới của ứng dụng này. 

Cùng trong lớp học thời giãn cách 

Sau buổi lễ khai giảng, học sinh cũng sẽ tiếp tục tham gia học trực tuyến trong lớp học thực tế ảo ở bộ môn khoa học và ngoại ngữ khi bắt đầu học chính thức. Các bạn nhỏ trong cùng lớp học sẽ đeo thiết bị VR để bước vào thế giới ảo cùng nhau, tiếp xúc với các phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động và giàu tính tương tác. Chẳng hạn, các giáo viên có thể “gọi” nhiều mô hình 3D đa dạng như các loài vật, các loài cây, giả lập các hiện tượng thời tiết ngay trong không gian lớp học ảo.
Quan trọng hơn hết, nhờ vào tính chất tái tạo nhân vật 3D giống như gương mặt ngoài đời thật, và hỗ trợ nhiều người dùng thấy/tương tác lẫn nhau trong cùng không gian… Seensio là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để giúp các bạn nhỏ gặp lại bạn bè, trải nghiệm cảm giác học tập gần với thực tế nhất.

CÙng "theo dõi" các bạn biểu diễn văn nghệ

Ảnh chụp màn hình

Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc điều hành Công ty JK Technologies, đơn vị phối hợp tổ chức lễ khai giảng và lớp học trực tuyến thực tế ảo này, tình trạng giãn cách xã hội toàn cầu đang khiến cho nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội… gặp nhiều khó khăn. Công nghệ đã góp công lớn để giúp cho thế giới thích nghi với đại dịch, chúng ta dường như quen dần với văn hóa làm việc tại nhà (work from home) thông qua các ứng dụng video Conference thông thường như Google Meet, Zoom… Tuy nhiên, sự giới hạn tương tác của các ứng dụng này đã không thể giải quyết bài toán đường dài, mà hạn chế trong công tác giáo dục trực tuyến là biểu hiện rõ rệt nhất. Đây cũng là một cách để giúp học sinh có trải nghiệm thú vị, tương tác tốt hơn, giúp giờ học trở nên sinh động, không còn nhàm chán. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.