Học sinh đánh nhau sau cả tháng mà trường nói không biết

30/03/2015 20:17 GMT+7

(TNO) Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng về số vụ và tính chất. Nhiều vụ học sinh đánh nhau dù đã xảy ra vài tháng mà khi hỏi đến nhà trường, giáo viên vẫn không biết.

(TNO) Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng về số vụ và tính chất. Nhiều vụ học sinh đánh nhau dù đã xảy ra vài tháng nhưng khi hỏi đến nhà trường, giáo viên vẫn nói không biết.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đạo tạo phát triển cộng đồng, chia sẻ thông tin trên tại buổi sinh hoạt chuyên đề: Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường, diễn ra chiều nay 30.3, tại trường trung học cơ sở Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Chương trình do Hội đồng Đội Trung ương (T.Ư Đoàn), Báo Tiền phong phối hợp tổ chức, nhằm tạo diễn đàn đưa những chuyên gia, cá nhân uy tín trong xã hội trực tiếp chia sẻ với học sinh, giáo viên, tìm kiếm giải pháp phòng, chống bạo lực trong trường học.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng An, cho biết qua theo dõi trên thực tế, ngày càng có nhiều vụ viêc học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, thậm chí học sinh đánh ngược lại thầy cô giáo dạy dỗ chính mình mình. Các hiện tượng bạo lực có xu hướng gia tăng trong môi trường học đường.

bao-luc-hoc-duongTiến sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ trong chương trình giao lưu - Ảnh: Phan Hậu

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng An, ở thế hệ của ông trước đây, học sinh cũng đánh nhau, do bực bội và xích mích với bạn bè nhưng tính chất không như hiện nay: Học sinh đánh nhau với hành động bạo lực rất dã man, sẵn sàng dùng ghế đang ngồi để "phang thẳng" vào đầu nhau, hoặc dí đầu, mặt bạn xuống đất để đấm, đá.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng An nhìn nhận, để bạo lực học đường gia tăng thì trách nhiệm có từ cả 2 phía gia đình và nhà trường. Ở nhiều vụ, con em mình bị đánh đập, hành hung bố mẹ cũng không hay biết. Còn ở trường học, thầy cô giáo là gần gũi học sinh nhiều nhất, học sinh đánh nhau cả tháng trời, xôn xao cả công luận nhưng khi hỏi đến nhà trường, thầy cô giáo nói không biết, thì cần phải xem xet lại trách nhiệm.

“Nếu cha mẹ dành quan tâm đến con cái nhiều hơn, hạn chế các em tiếp xúc với phim, ảnh bạo lực, định hướng tìm hiểu những giá trị sống thân thiện, nhân ái đoàn kết. Thầy cô giáo, ngoài dạy kiến thức, hãy dành thời gian để ý nhiều hơn đến sinh hoạt, hành động của học sinh, kịp thời phát hiện biểu hiện bất thường sẽ góp phần ngăn chặn được các hành động bạo lực”, tiến sĩ An nói.

bao-luc-hoc-duongNghệ sĩ hài Xuân Bắc tư vấn giúp học sinh phòng, chống bạo lực học đường - Ảnh: Phan Hậu

Tại buổi sinh hoạt, qua các tình huống giao lưu cụ thể, danh hài Xuân Bắc khéo léo dẫn dắt học sinh lần lượt đi tìm câu trả lời trong các câu hỏi: đánh bạn liệu có giúp mình ngoan, học giỏi hay được người khác yêu quý hơn và tại sao phải “nói chuyện” với bạn bằng tay chân. “Đã là bạn bè thì ai cũng mong muốn có bạn bè mình bảo vệ. Nếu như có xích mích, mâu thuẫn nào, các em hãy chia sẻ với bố mẹ, thầy cô giáo sẽ được giải tỏa”, Xuân Bắc đưa ra lời khuyên cho những học sinh.

Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Bí thư Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Long Hải, cho biết chương trình sinh hoạt chuyên đề này được thiết kế nhằm định hướng cho Hội đồng Đội trong các trường học tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia để nhận biết các dấu hiệu, phòng ngừa nguy cơ xảy ra bạo lực. Sau Hà Nội, chương trình điểm tiếp theo sẽ diễn ra tại Cần Thơ trong tháng 4 năm nay, trước khi nhân rộng mô hình truyền thông phòng, chống bạo lực học đường này trên phạm vi toàn quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.