Học sinh đâu chỉ biết học

24/11/2015 07:48 GMT+7

Ít nhất về nhà học sinh cũng phải biết pha một ly nước chanh cho cha mẹ; cắt hành, chiên trứng cho một bữa ăn đơn giản.

Ít nhất về nhà học sinh cũng phải biết pha một ly nước chanh cho cha mẹ; cắt hành, chiên trứng cho một bữa ăn đơn giản.

Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) tập chiên trứng - Ảnh: K.HHọc sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) tập chiên trứng - Ảnh: K.H
Biết làm việc nhà
Mỗi tuần, lần lượt từng nhóm học sinh (HS) khối lớp 4, lớp 5 Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) được sắp xếp tham quan quy trình nấu ăn ngay bếp ăn của trường. HS có dịp quan sát các công đoạn làm nên một bữa ăn từ khâu nhặt rau cho đến sơ chế và chế biến thực phẩm...
Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những dịp này các em không chỉ biết những công việc tưởng chừng đơn giản như nhặt rau, rửa miếng thịt, con cá... mà còn hiểu công sức của cha mẹ để làm nên bữa ăn ngon. Biết trân trọng, có ý thức và không còn thái độ ỷ lại vào người thân trong bất cứ công việc gì”. Sau một thời gian thực hiện, ông Tuấn cho biết một phụ huynh kể: “Tan trường về, con trai em đã không chạy ngay vào máy tính tranh thủ chơi game như trước mà biết xuống bếp đứng gần mẹ rụt rè nói: “Cho con phụ mẹ nhé”, rồi chạy đi quét nhà, lau bàn”.
Từ tháng 11 năm nay phòng học kỹ năng sống của Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) bắt đầu hoạt động. Từ hỗ trợ của phụ huynh, phòng trang bị các đồ dùng dành cho nhà bếp như tủ lạnh, bếp, nồi, chén, đĩa... Nhà trường xếp lịch, mỗi tuần một tiết, HS lớp 1, 2 thực hành pha nước chanh, rửa chén, làm bánh, cuốn bò bía... HS lớp 3 đến lớp 5 thì tập nhặt - rửa rau, chiên trứng, làm sữa chua, bánh flan... Ông Đinh Hữu Đắc, Hiệu trưởng Trường Phan Đình Phùng, cho hay điều này giúp HS hiểu kỹ năng, tạo thói quen tự phục vụ, đảm bảo an toàn khi làm bếp để trau dồi vốn sống cho mình.
Hãy tin tưởng giao việc cho trẻ
Hiện nay phụ huynh thường có tâm lý dành mọi thời gian, điều kiện để con em học tập, không cho trẻ làm bất cứ việc nhà nào. Vì vậy, khi thấy con mình có thể làm được những điều này, nhiều bậc cha mẹ ngạc nhiên.
Một phụ huynh HS lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) hào hứng khi con gái mang sản phẩm là một vài chiếc bánh quy sau khi tham gia CLB Làm bánh. Phụ huynh này nói: “Dù chiếc bánh không được tròn, bề mặt còn xù xì nhưng thật không ngờ vì ở nhà tôi nghĩ bé còn nhỏ, chưa biết làm những việc này”.
Còn HS Nguyễn Anh Thư, lớp 4 của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thể hiện sự tự tin và thích thú khi vào bếp “trổ tài” món trứng chiên, pha nước chanh mời ba mẹ sau khi giáo viên trong CLB Nội trợ hướng dẫn cách làm.
Qua thực tế này, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, nhấn mạnh: “Hãy tạo cơ hội để trẻ thực hiện và đừng bao giờ nói với con rằng “thôi, con để đó ba/mẹ làm cho nhanh”. Câu nói đó sẽ làm giảm sự hứng thú thể hiện khả năng của HS. Lâu dần tạo thành sự ỷ lại, không cần làm cũng đã có người phục vụ, không biết yêu quý sức lao động, trân trọng công lao của cha mẹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.