Ngày 30.7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học bậc giáo dục chuyên nghiệp. Nhiều đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến bậc học này ngày càng khó tuyển sinh.
|
38 trường không tuyển được thí sinh nào
Theo Bộ GD-ĐT, quy mô học sinh trung cấp chuyên nghiệp trong 4 năm gần đây có xu hướng giảm và giảm mạnh trong năm vừa qua. Năm học 2013 - 2014 có 485.631 người học, giảm hơn 130.000 so với năm học 2012 - 2013.
Công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Kết thúc năm 2013, số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo bậc học này chỉ đạt 49,5% so với chỉ tiêu được xác định. Nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có 38 trường không tuyển được học sinh nào (bao gồm 11 trường TCCN, 5 trường CĐ, 12 trường ĐH, 10 cơ sở khác). Đáng lưu ý là số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học trung cấp là 17.885, chiếm 10% và liên tục giảm trong 4 năm trở lại đây. Trong khi đó nguồn tuyển đối với bậc học này không hề giảm.
Cơ hội việc làm thấp, lạc hậu trong đào tạo
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "10 năm trước đây số học sinh vào học bậc này rất đông nhưng nay thì gặp thách thức lớn. Một số trường cho rằng do chúng ta mở rộng nhiều trường ĐH nên hạn chế nguồn tuyển nhưng không đúng. Hiện nay mỗi năm có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS và THPT trong khi số học sinh vào ĐH, CĐ chỉ khoảng 500.000. Vì vậy, nguồn tuyển cho bậc trung cấp vẫn rất lớn. Vậy tại sao các trường không thu hút được người học?".
|
Theo ông Ga, các nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là cơ hội việc làm của học sinh thấp và đào tạo chưa thích nghi với thị trường lao động. Cơ sở thiết bị của các trường lạc hậu nên học sinh học xong không làm việc được. Hầu hết, các doanh nghiệp tuyển dụng xong phải đào tạo lại nên họ tuyển lao động phổ thông để đào tạo nhanh hơn.
Một số đại biểu đưa ra nhiều nguyên nhân khác. Chẳng hạn Bộ kéo dài thời gian cho phép các trường ĐH được đào tạo trung cấp làm cho các trường bậc này càng khó tuyển sinh. Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, phản ảnh: "Người dân bao giờ cũng thích cho con em mình được "gắn mác" ĐH nên vẫn thích cho học trung cấp ở các trường ĐH hơn là trường trung cấp". Đồng thời, ông Đại cũng chỉ ra rằng, giáo viên các trường trung cấp yếu kém do đào tạo bất cập, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn; chương trình đào tạo do các trường tự ban hành nên không đảm bảo chất lượng và sự liên thông. Đặc biệt là hệ thống giáo dục đào tạo chưa thống nhất trong các cấp bậc học khiến cho bậc học trung cấp không biết nằm ở đâu.
Sẽ thống nhất trung cấp chuyên nghiệp và nghề
Ông Hoàng Văn Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết hiện nay hệ thống giáo dục rất chồng chéo khiến việc đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là cùng tồn tại 2 hệ thống trường trung cấp nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp có cùng chức năng như nhau gây ra sự lãng phí và khó khăn cho người học. Ông ví dụ, vừa qua Vĩnh Phúc thực hiện đào tạo tích hợp vừa học THPT vừa học nghề thì đối tượng này ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên, do hệ thống giáo dục không đồng nhất nên học sinh học bổ túc lại phải đến trường nghề để học nghề, còn học sinh học nghề thì phải đến trung tâm giáo dục thường xuyên để học văn hóa.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đã bàn bạc và đưa ra chủ trương là sẽ thống nhất trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề cùng chung một trình độ. Nhà nước sẽ xây dựng khung trình độ quốc gia cùng chung thước đo so với khu vực để người học dễ dàng hòa nhập với thị trường lao động quốc tế. Vì vậy, tới đây luật Dạy nghề sẽ được sửa đổi thành luật Giáo dục nghề nghiệp. Còn việc bậc học này do bộ ngành nào quản lý thì sẽ được tiếp tục bàn bạc và quy định trong luật Giáo dục nghề nghiệp.
Vũ Thơ
>> ĐH An Giang chỉnh sửa khu vực, đối tượng tuyển sinh
>> Chấm thi tuyển sinh đại học: Hiếm bài thi điểm 10
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Chấm thi sẽ linh hoạt hơn
>> TP.HCM: Tuyệt đối không thay đổi nguyện vọng trong tuyển sinh lớp 10
Bình luận (0)