Học sinh, sinh viên làm được gì từ kiến thức đã học?

Bích Thanh
Bích Thanh
12/10/2018 17:19 GMT+7

Theo ông John Laxon, Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của Cơ quan Giáo dục New Zealand, thế giới ngày nay không chú trọng đến việc học sinh, sinh viên học cái gì mà quan tâm đến việc người học làm được gì với những kiến thức đó.

Ngày 12.10, tại TP.HCM, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo Chuẩn bị kỹ năng tương lai cho học sinh - kinh nghiệm từ New Zealand. Hội thảo có gần 200 lãnh đạo các trường THPT tham dự, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng mô hình giáo dục chuẩn bị kỹ năng tương lai cho học sinh.

Mở đầu hội thảo, ông John Laxon, Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của ENZ, chỉ ra rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và xu hướng toàn cầu hóa của các hệ thống kinh tế đã và đang tạo ra thách thức mới cho ngành giáo dục. Lực lượng lao động trong tương lai sẽ cần phải làm chủ các kỹ năng như khả năng thích ứng và giao tiếp đa văn hóa, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng định hướng trong một thế giới kỹ thuật số và tự động hóa.


Đối với các nước đang phát triển và có tỷ lệ dân số trẻ như Việt Nam (độ tuổi từ 10 đến 24 chiếm khoảng 40% dân số), nhu cầu chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai bắt đầu từ bậc trung học cơ sở cho đến trung học phổ thông thực sự là vấn đề cấp thiết.

Và theo ông John Laxon, trước những thách thức lớn về số hóa toàn cầu hóa và tự động hóa, người học cần các nhóm kỹ năng khác nhau, đòi hỏi phải chuẩn bị trong trường học. Thế giới ngày nay không chú trọng đến việc học sinh, sinh viên học cái gì mà quan tâm đến việc người học làm được gì với những kiến thức đó.

Những thành công của giáo dục New Zealand

Chia sẻ những thành công từ giáo dục New Zealand, ông John Laxon cho hay: “Hệ thống giáo dục thành công cần đội ngũ giáo viên, bên cạnh đó là tư vấn nghề nghiệp trong trường học. Để thành công thì đào tạo cho tương lai phải đưa vào chiến lược tổng thể của quốc gia. Và chúng tôi có phương pháp tiếp cận qua việc đào tạo giáo viên và phát triển chương trình giáo dục toàn diện, gắn kết từ mầm non đến ĐH, nằm trong một khung thống nhất. Giáo viên được đào tạo đầy đủ và luôn được nâng cao kỹ năng trong suốt sự nghiệp của mình qua các buổi tập huấn được tổ chức thường xuyên. New Zealand cũng luôn đầu tư vào công nghệ thông tin và kỹ thuật số tác động đến giáo viên, giáo viên được hỗ trợ công nghệ tối đa để giảng dạy”.

Đồng thời, sự hợp tác giữa trường với các doanh nghiệp là nền tảng thành công, kỹ năng mà doanh nghiệp cần sẽ được đưa vào chương trình đào tạo. Học sinh, sinh viên có thể học tập phát triển trong nền tảng công nghệ hiện đại, được phát triển trở thành công dân kỹ thuật số chứ không còn là phát triển kỹ thuật số.

Người đại diện cho ENZ còn cho biết chương trình đào tạo của New Zealand đươc xây dựng với mục đích người học không chỉ học lý thuyết mà còn có cơ hội để áp dụng kiến thức đó trong thực tế. Chương trình giáo dục đặt ra thách thức cho sinh viên, học sinh trong môi trường không giới hạn. Nhà trường luôn khuyến khích quyền sáng tạo, thể hiện những ý tưởng mới của học sinh, sinh viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.