Học sinh trở lại trường: Mỗi nơi quy định một kiểu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/10/2021 08:00 GMT+7

Dù Chính phủ yêu cầu “tổ chức dạy và học trực tiếp (học sinh trở lại trường) tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10.2021” nhưng các địa phương vẫn chưa chuyển biến và mỗi nơi quy định mỗi kiểu.

Nhiều lý do để chưa thực hiện

Yêu cầu tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10, Chính phủ đồng thời cũng giao Bộ GD-ĐT chủ trì ban hành hướng dẫn an toàn để các trường dạy học trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, đến ngày 18.10, Bộ chưa ban hành hướng dẫn, số địa phương có kế hoạch cho học sinh (HS) đi học trở lại chưa có chuyển biến đáng kể, mỗi tỉnh, thành lại tự đặt ra các điều kiện khác nhau để có thể cho HS đến trường.

Tại Hà Nội, dù được đánh giá cấp độ 1 với dịch bệnh nhưng sau chỉ đạo của Chính phủ và đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội xem xét cho HS ở vùng an toàn trở lại trường, song sau đó, trong thông báo mới nhất do Sở GD-ĐT Hà Nội phát đi vẫn là “tiếp tục dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới” trên toàn địa bàn TP. Giải thích của lãnh đạo sở này vẫn là: HS chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, lo ngại khi một số địa phương khác khi cho HS đến trường đã có nhiều HS mắc Covid-19…

Một số tỉnh, thành đang tỏ ra thận trọng quá mức khi không có ca bệnh trong cộng đồng nhiều tháng qua nhưng vẫn đóng cổng trường. Tỉnh Hưng Yên trong đợt dịch lần thứ 4 không có các ổ dịch phức tạp hay các ca bệnh trong cộng đồng nhưng chỉ HS lớp 1 trên địa bàn tỉnh học trực tuyến kết hợp trực tiếp, HS các cấp còn lại đều học trực tuyến.

Học sinh tỉnh Bắc Ninh đến trường học trực tiếp

B.B.N

Đại diện Sở GD-ĐT Hưng Yên lý giải: “Địa phương gần Hà Nội, Hà Nam, nơi có tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp nên cũng phải cân nhắc việc HS đến trường”. Ngày 15.10, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 157 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh này trao quyền quyết định cho HS tới trường hay học trực tuyến cho UBND cấp huyện.

Văn bản mới nhất của Sở GD-ĐT Hưng Yên yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ triển khai học trực tiếp khi đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết mà UBND đặt ra trong kế hoạch nêu trên. Tuy nhiên, sở này cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại, việc HS trở lại trường còn nhiều khó khăn do các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo yêu cầu cần thiết về tiêm vắc xin phòng dịch cho giáo viên theo quy định. Vì vậy, HS các cấp sẽ tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 16.000 giáo viên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, 20% giáo viên bậc mầm non, tiểu học và THCS, 60% giáo viên THPT được tiêm mũi 2.

TP.HCM dự kiến trích 427 tỉ đồng để hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh

Có học sinh nhiễm Covid-19, nhiều trường vẫn mở cửa

Trái ngược với một số địa phương tỏ ra thận trọng và không có động thái rõ ràng về việc cho HS đến trường thì một số tỉnh, thành lại rất linh hoạt để đảm bảo quyền được đi học trực tiếp của HS.

Sau khi phát hiện hơn 40 HS mắc Covid-19 ở Trường THCS Chu Hóa (TP.Việt Trì, Phú Thọ) và một số HS là F1 tại H.Lâm Thao, từ ngày 18.10, tỉnh Phú Thọ quyết định cho HS TP.Việt Trì và H.Lâm Thao tạm dừng học trực tiếp 1 tuần.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho biết trong tuần này, ngành giáo dục sẽ phối hợp với cơ sở y tế sàng lọc, khoanh vùng và xét nghiệm cho HS. Sau đó, dựa vào kết quả, tỉnh Phú Thọ có thể thu nhỏ phạm vi cho nghỉ học. Trong thời gian HS tạm dừng đến trường, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với phụ huynh quản lý, đảm bảo an toàn cho HS. Hướng dẫn, giúp đỡ HS ôn tập, củng cố kiến thức bằng các hình thức phù hợp.

Các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát được Sở GD-ĐT yêu cầu tiếp tục học trực tiếp, tranh thủ “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp chương trình chính khóa, chú ý việc tăng thời lượng các môn học phải phù hợp, không gây quá tải cho giáo viên, HS.

Trước đó, tỉnh Bắc Ninh cũng có những ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh dù có các ca nhiễm mới trong cộng đồng hoặc trường hợp F1 là HS. Cụ thể, sau khi phát hiện các ca F0, F1 là HS ở một số trường trên địa bàn P.Võ Cường (TP.Bắc Ninh), địa phương này đã quyết định chỉ khoanh vùng và dừng học trực tiếp với các trường trên địa bàn P.Võ Cường từ ngày 12.10. Sau 3 ngày truy vết, xét nghiệm, TP.Bắc Ninh đã cho phép trường THCS đón HS trở lại trường học trực tiếp; các trường tiểu học, mầm non đón HS trở lại sau vài ngày…

TP.HCM sẽ công bố cấp độ dịch từng địa phương trên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM

Vẫn còn địa phương chưa thể bắt đầu năm học

Mới đây, lãnh đạo Bộ đã có buổi làm việc trực tuyến với riêng TP.Cần Thơ về việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Đây cũng là địa phương đặc biệt hiếm hoi khi chưa bắt đầu năm học ở cấp tiểu học vì quyết định không tổ chức dạy học trực tuyến với cấp học này do lo ngại về tính hiệu quả, chất lượng dạy học trực tuyến ở lứa tuổi còn quá non nớt này.

Báo cáo tại cuộc làm việc với Bộ, đại diện Phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT Cần Thơ cho hay thời gian vừa qua, TP.Cần Thơ chưa bắt đầu năm học theo tiến độ chương trình ở cấp tiểu học. Sở đã giao quyền chủ động cho các nhà trường trong tổ chức làm quen của HS lớp 1, ôn tập đối với các lớp trên và hướng dẫn HS tự học tại nhà các môn học và hoạt động giáo dục theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học…

Sở GD-ĐT Cần Thơ đang tham mưu UBND tỉnh cho phép HS tiểu học đi học trực tiếp trở lại từ ngày 1.11 và đây cũng là mốc thời gian bắt đầu chương trình học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 của cấp học này. Do bắt đầu năm học muộn hơn so với địa phương khác 2 tháng nên học kỳ 2 của cấp tiểu học ở Cần Thơ dự kiến bắt đầu từ 7.3.2022; thời gian hoàn thành kế hoạch giáo dục cũng muộn hơn, vào trước 10.7.2022.

“Với khung thời gian nêu trên, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND TP giao quyền chủ động cho UBND cấp huyện căn cứ đánh giá các tiêu chí an toàn, sẽ quyết định cho HS học trực tiếp tại trường hoặc học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên”, ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết.

Đối với cấp trung học, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, báo cáo của Sở GD-ĐT Cần Thơ với Bộ cho thấy còn 5,8% HS cấp THCS (4.020 HS) và 1,2% HS cấp THPT (400 HS) ở vùng khó khăn thiếu thiết bị học tập, không có đường truyền internet nên chưa thể tham gia học trực tuyến; ứng dụng dạy học chưa đồng bộ; một bộ phận giáo viên chưa tổ chức tốt hoạt động dạy học theo hình thức mới này.

Nếu học sinh được tiêm vắc xin mới đến trường thì chờ đến bao giờ ?

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục phổ thông, cho rằng vì chất lượng giáo dục và nhiều bất cập của dạy học trực tuyến, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc cho HS trở lại trường, tránh tự đặt ra những quy định mà Chính phủ và Bộ GD-ĐT không bắt buộc.

Theo ông Ân, có địa phương nói HS phải được tiêm vắc xin Covid-19 mới cho đi học. Đến thời điểm này chưa có thời gian cụ thể tiêm vắc xin cho HS, nếu đầu tháng 11 bắt đầu tiêm thì cũng phải sau 14 ngày vắc xin mới phát huy tác dụng, khi đó cũng gần hết học kỳ 1. Hơn nữa, số HS tiêm sẽ không thể đồng loạt mà phải ưu tiên theo vùng căn cứ vào mức độ dịch bệnh, căn cứ vào lứa tuổi HS; phụ thuộc vào lượng vắc xin phù hợp cho trẻ em mà chúng ta nhận được ra sao...

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng chờ HS tiêm vắc xin mới dạy học trực tiếp (học sinh trở lại trường) thì không biết đến bao giờ ngày trở lại trường mới thực hiện được trong năm học này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.