|
Nguyễn Hoàng Kim Hân chia sẻ: “Khi còn là học sinh lớp 10, Hân và Kim Anh đã có ý tưởng cùng nhau tạo ra một thiết bị tự động đo nồng độ cồn qua hơi thở để gắn trực tiếp vào ca-bin ô tô. Thiết bị này sẽ đưa ra cảnh báo để tài xế ngưng việc lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, đồng thời thông báo cho mọi người xung quanh biết để phòng tránh”. Từ đây, Kim Hân và Kim Anh chủ động tìm ra các giả thiết phát triển ý tưởng của mình thành một sáng kiến có ích cho xã hội.
Lên lớp 11, sáng kiến này được giáo viên 2 môn vật lý và công nghệ khuyến khích phát triển thành đề tài “Thiết bị phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông”. Sau đó, đề tài tiếp tục được thực hiện với sự góp sức của Lê Ngọc Huy và bước đầu đã thành công.
Thiết bị này có tất cả 13 loại linh kiện chính như: còi, đèn led 3 màu (trắng, xanh, đỏ), tụ điện, điện trở, biến trở, bảng mạch, động cơ, bộ tản nhiệt, IC LM358P và cảm biến MQ3… Trong đó, cảm biến MQ3 là quan trọng nhất vì có vai trò tự động nhận biết nồng độ cồn trong hơi thở, sau đó truyền vào thiết bị và báo động ra ngoài. Ngọc Huy cho biết thiết bị có nguyên lý hoạt động theo 2 ngưỡng. Khi được nối với động cơ trong ngưỡng 1 ở mức dưới 1,3 V, thiết bị chỉ có chức năng phát hiện làm sáng đèn xanh để báo động có nồng độ cồn. Khi nồng độ cồn vượt qua ngưỡng 2 ở mức 1,3 - 2 V thì thiết bị sẽ báo động làm đèn đỏ sáng, còi kêu và ngăn chặn bằng cách tắt máy xe.
Hà Thị Kim Anh cho hay: “Chi phí để hoàn thành thiết bị khoảng 155.000 đồng; trong đó linh kiện đắt tiền nhất là cảm biến MQ3 có giá 85.000 đồng. Với thiết bị này, bọn em đã đoạt giải nhất trong lĩnh vực vật lý tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm 2014 tỉnh Lâm Đồng. Tại cuộc thi cấp quốc gia tổ chức ở TP.Cần Thơ mới đây, đề tài của bọn em đã đoạt giải nhì lĩnh vực, giải 3 chung cuộc và vào top 12 đề tài được khảo sát năng lực tiếng Anh để chọn đi dự thi quốc tế tại Mỹ”.
Ông Trần Văn Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc, vui mừng nói: “Tôi vô cùng khâm phục khi các em đã cùng nhau đóng góp ý tưởng để hoàn thành một thiết bị mang tính khoa học. Song, thiết bị còn một số hạn chế cần khắc phục như chỉ dừng lại ở mức thủ công nên độ chính xác, tính thẩm mỹ chưa cao và chỉ dành riêng cho ô tô mà không thể sử dụng rộng rãi cho tất cả các phương tiện; chưa thể áp dụng vào thực tế mà còn dừng lại ở mức mô phỏng thông qua hình thức làm thí nghiệm. Đối với những nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ tư vấn giúp các em bổ sung khả năng giới hạn tốc độ cho thiết bị để ô tô dừng lại an toàn khi tài xế có nồng độ cồn quá cao”.
Minh Sơn
>> Một thanh tra xây dựng đập bể máy đo nồng độ cồn
>> Sinh viên cùng chế tạo thiết bị tự động
Bình luận (0)