Học viện Âm nhạc Huế thâm hụt ngân sách trầm trọng

15/07/2015 09:43 GMT+7

Học viện Âm nhạc Huế gần đây liên tục bị thâm hụt ngân sách, khiến cho nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng có nguy cơ mất việc.

Học viện Âm nhạc Huế gần đây liên tục bị thâm hụt ngân sách, khiến cho nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng có nguy cơ mất việc.

Học viện Âm nhạc Huế sẽ cắt giảm nhân sự do thâm hụt ngân sách Học viện Âm nhạc Huế sẽ cắt giảm nhân sự do thâm hụt ngân sách - Ảnh: B.N.L

Chiều 10.7, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, ông Nguyễn Việt Đức đã có buổi làm việc với các trưởng khoa, phòng, ban của Học viện cùng nhóm giảng viên, nhân viên hợp đồng để thông báo tình hình tài chính của Học viện và đưa ra hướng cắt giảm nhân sự trong thời gian tới.

Tại buổi họp, ông Đức cho biết, tình tình tài chính của Học viện đang gặp khó khăn, đơn vị sẽ cố gắng vận dụng tối đa các nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên. Ông Đức hứa, chỉ có thể đảm bảo cho những cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng đang mang thai, nuôi con nhỏ và cán bộ công đoàn... còn lại nếu tình hình bất khả kháng sẽ phải tính đến giải pháp cho các cán bộ giảng viên hợp đồng nghỉ không lương cho đến khi tình hình tài chính được cải thiện. Học viện chỉ đảm bảo chi trả các khoản BHYT, BHXH cho người lao động.

Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VH-TT-DL) là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động theo cơ chế tài chính được nhà nước cấp một phần kinh phí và phần còn lại tự cân đối từ nguồn thu học phí theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 của Chính phủ. Hiện nguồn kinh phí thường xuyên của Học viện được Bộ VH-TT-DL cấp mỗi năm khoảng hơn 14 tỉ đồng. Ngoài ra, Học viện còn nguồn thu từ học phí của sinh viên các hệ đào tạo chính quy và liên thông, liên kết.

Tuy nhiên, nguồn tin của báo Thanh Niên cho biết, hoạt động tài chính theo báo cáo của Học viện này liên tục bị thâm hụt. Cụ thể, năm 2011, Học viện có gần 1.200 học viên, thu hơn 4,6 tỉ đồng học phí, chi lương cho cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng là hơn 2,7 tỉ đồng, dư hơn 1,8 tỉ đồng; đến năm 2012, có 1.296 học viên, thu hơn 4,7 tỉ đồng học phí, chi lương hợp đồng hơn 4 tỉ đồng, dư hơn 925 triệu đồng. Nhưng đến năm 2013, số lượng học viên giảm sút chỉ còn 785 học viên, thu hơn 3,8 tỉ đồng học phí, chi lương hợp đồng hơn 5,4 tỉ đồng, âm hơn 1 tỉ đồng; năm 2014, có 475 học viên, thu hơn 3,8 tỉ đồng học phí, chi lương hợp đồng hơn 5,4 tỉ đồng, âm tới hơn 4 tỉ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2015, có 382 học viên, nhưng chỉ thu được hơn 302 triệu đồng học phí, đã chi lương hợp đồng hơn 3,1 tỉ đồng, âm hơn 2,8 tỉ đồng (số tiền này hiện đã thâm hụt vào kinh phí nhà nước cấp). Dự báo trong 6 tháng cuối năm nếu thu đủ hơn 1,3 tỉ đồng học phí của các học viên, vẫn tiếp tục thâm hụt thêm hơn 1,6 tỉ đồng.

Tại buổi làm việc, các cán bộ giảng viên đưa ra thắc mắc vì sao số lượng học viên liên tục giảm sút, nguồn thu không đảm bảo, trong khi đó Học viện lại ồ ạt tuyển dụng và ký hợp đồng lao động để dẫn đến mất cân đối thu chi. Cụ thể, giai đoạn 2010-2011, có 87 hợp đồng lao động được ký (trong số này có 20 người đã được tuyển vào biên chế). Nhưng đến giai đoạn từ năm 2011 đến nay học viện đã tiếp tục tuyển dụng và ký hợp đồng lao động thêm 98 người, nâng tổng số hợp đồng lao động lên 144 người. Thêm nữa, trong khi toàn bộ học viện có 256 cán bộ, giảng viên (cả biên chế và hợp đồng), trong khi khối giảng dạy có 127 người, còn lại khối hành chính lên tới 129 người.

Giải thích về việc tuyển dụng tăng lên hằng năm, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng: “Thứ nhất là do đề xuất của các đơn vị (tức các khoa, phòng chức năng-PV), thứ hai do nhu cầu duy trì hoạt động thường xuyên của Học viện và thứ ba là để giải quyết quan hệ “đối ngoại” của nhà trường, nó cũng rất là tế nhị”, ông Đức nói. Tuy nhiên, một số cán bộ trưởng các khoa, phòng có mặt tại buổi họp nói rằng họ không đề nghị.

Nhiều cán bộ, giảng viên cũng bày tỏ thắc mắc tại sao ngân sách thâm hụt nhưng lại không chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp đã hết hạn mà vẫn tiếp tục gia hạn. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cũng nghi ngờ Học viện Âm nhạc Huế có “mập mờ” trong quản lý tài chính khiến cho ngân sách thâm hụt. “Báo cáo của họ là như vậy, nhưng thực tế quản lý tài chính có đúng hay không thì phải cần có cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc mới làm sáng tỏ”, một cán bộ của Học viện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.