Học võ

14/05/2005 22:52 GMT+7

Khi định cư tại Bắc Mỹ 15 năm trước, TH đã mang đai đen karate, nhưng do bận bịu học hành và làm thêm kiếm sống, anh không còn thì giờ nghĩ đến võ thuật. Chỉ khi ra trường đi làm, công việc ổn định rồi anh mới tham gia công tác giúp đỡ hướng dẫn lớp trẻ trong cộng đồng người Việt.

Tình cờ gặp gỡ một môn sinh cùng hệ phái từ trong nước ra, các anh rủ nhau cùng chung tiền thuê mặt bằng, trang bị và quảng cáo mở lò võ. Chiêu sinh các em trong khu vực, không phân biệt Tây hoặc ta, nhưng số đông vẫn là người Việt. Đối với trẻ em Việt, ngoài việc dạy võ còn dạy kèm thêm tiếng Việt và tập hát. Nhiều em do cha mẹ quá bận rộn mưu sinh không có thì giờ đưa đón, dạy xong các anh còn phải chia nhau đưa các em về tận nhà.

Trẻ Việt mình thường nhỏ con, ốm yếu nên hay bị bạn bè da trắng, da đen ức hiếp. Tuy vậy, học tới đai xanh, biết võ vẽ mấy thế cận chiến là các em tự tin hẳn lên. Các em về khoe với cha mẹ: “Chúng nó không còn dám gây sự với bọn con nữa !”. Cha mẹ người Việt rất tin tưởng nên các khóa học ngày càng đông và có chất lượng. Các anh lại tìm cách liên hệ với các tổ chức karate cùng hệ phái tại Bắc Mỹ, Nhật Bản và cả lò võ gốc ở Huế, bước đầu xây dựng được một trung tâm võ thuật tuy không lớn nhưng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm còn đưa được võ sinh đi thi đấu dự giải, đạt nhiều thành tích. Tuy vậy, sau hai năm, TH phải  quay về Việt Nam làm việc rồi  chuyển công tác sang châu u, người bạn ở lại tiếp tục điều hành võ đường.

Trong hơn mười năm công tác và sinh sống ở xứ người, quả thật, nhiều khi TH cũng ngạc nhiên về sự sung sức, dẻo dai của chính bản thân mình, nhất là khi ngoài công việc chính, anh còn tham gia nhiều môn thể thao và âm nhạc. Trong công tác, anh nhận thấy sự năng động có thể giúp ta thành đạt nhanh chóng, nhưng đối với riêng anh, sự tự tin, quyết đoán trong công việc là chìa khóa của thành công. Điều đó có được là do anh may mắn tiếp cận được với võ thuật, từ những ngày chập chững bước vào đời.

Làm việc trong một tập đoàn tư bản quốc tế lớn, anh phải chịu đựng áp lực ghê gớm của công việc điều hành, rồi cả những nỗ lực làm việc không ngừng của một người trẻ muốn thành đạt và nhiều hoài bão. Nhiều khi anh cũng rất mỏi mệt và mất hướng, nhưng anh lại nhớ đến lời khuyên của người thầy - một người thầy võ nhưng nho nhã mà nghĩa khí - đã dạy cho anh thật nhiều bài học làm người: "Anh là người đa năng, nhưng phải luôn chú ý đến sức khỏe và phải biết lắng nghe cơ thể của chính mình, những lúc mệt mỏi cần phải bình tĩnh và chỉ nên tâm niệm 4 điều căn bản: Ý-Tâm-Khí-Hình...".

Bẵng đi nhiều năm, năm ngoái TH mới có dịp quay lại Bắc Mỹ. Bạn anh cũng không còn phụ trách võ đường vì bận rộn việc làm ăn kinh doanh, phải giao lại cho người khác. Mấy em võ sinh cũ đến thăm, nhìn thấy đứa nào đứa nấy lớn ngồng và chín chắn. Thằng Peter Trần gầy ốm ngày nào nay đã cao 1,80m và là vận động viên của đại học. Đám trẻ nhỏ cả trai lẫn gái trước đây nay đều đai đen, rắn rỏi, tự tin và thành đạt trong cuộc sống. Anh suy nghiệm ra rằng võ thuật Á Đông mình có cái hơn người ở chỗ không chỉ rèn luyện kỹ năng tự vệ hoặc tấn công mà còn dạy ta cái đạo làm người, trước tiên là rèn luyện tinh thần tự tin, vượt gian khó và luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. 

Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.