Hội An cổ sự - Kỳ 6: Hương phố cổ

04/10/2014 03:00 GMT+7

Như Nguyễn Bính “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” khi đến khu vườn thượng uyển xứ Huế, giờ đây cả khách lẫn chủ đứng giữa phố Hội cũng dễ rơi vào tâm trạng luyến tiếc hình bóng cũ…

Đất xưa hồn hậu

 
Hình ảnh quang gánh còn giữ đến bây giờ ở Hội An - Ảnh: H.X.H

Gánh chè bà Chỉ bên góc đường Nguyễn Duy Hiệu len sâu vào ký ức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, khi ông còn là cậu bé nhà quê đi đò từ bên kia Bàn Thạch sang phố Hội để học. Có mỗi chén chè bình dân mà ông nhớ hoài suốt hơn 50 năm nay, nhất là dịp nhận học bổng toàn phần trị giá 240 đồng rồi hào sảng kéo đám bạn ra phố chiêu đãi. Ông bảo hồi đó tụi học trò nghèo quá, nên có một chỗ bán chè như bà Chỉ, có đồng bạc để ăn chè là niềm hạnh phúc lớn. Và chỗ bà Chỉ ngồi bán, cứ lặp đi lặp lại đúng vào giờ ấy đã tạo cho góc phố một cái gì đó thật sống động.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nói ông có những cái nhớ “rất tức cười” về phố Hội. Ông nhớ từ gánh xí mà của ông lão họ Ngô, cây phượng già ở Trường trung học Trần Quý Cáp “trổ bông coi sướng lắm”. Rồi từ những ngày học đàn với thầy La Gia Đinh, nghe thầy Lê Chấn Quang chơi piano moderne… mà nhớ lại. Bề ngoài Hội An nhu mì và hiền triết, bên trong như cầm nắm một hòn ngọc thật quý nhưng lại khiêm tốn vô cùng. Đây là nơi lập ra tổ chức khuyến nhạc đầu tiên ở VN từ những năm 1943 - 1944. Và những hồn nhạc phong phú thuở xưa như La Hối (tác giả ca khúc Xuân và tuổi trẻ, lời thơ Thế Lữ), Diệp Truyền Hoa (người viết lời Hoa ca khúc Xuân và tuổi trẻ), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều)… đã tạo dư hưởng đến tận bây giờ qua hình ảnh các nhóm nhạc gia đình. “Đất Hội An coi vậy chớ thâm hậu vô cùng”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thán phục.

Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Tế Thông cũng nhớ bà Chỉ, nhưng là bà Chỉ của tiệm bún bò. Ông chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân đa cảm thật. Ông gọi điện thoại khi chúng tôi đã rời phố cổ nhiều ngày chỉ để kể thêm về gánh mì Quảng nhưn (nhân) sứa rất ngon và lạ, dù món ấy “đứt gánh” từ trước năm 1975. Ông “xúi” chúng tôi nên lần theo những giai thoại về cao lầu Hội An, phải biết tiếng cao lầu ông Bốn Niên hay bà Bốn Đờn. “Muốn ăn bún bò thì lại gánh hàng bà Dần, ăn chè đậu ván thì tới gánh bà Mai bà Lò, uống trà quế thì dừng nơi bà Lại. Toàn những gánh hàng có tiếng đó nghe!”.

Vỉa hè vang bóng

Người Hội An không quên ơn các nhà nghiên cứu VN đã manh nha phát hiện giá trị di sản phố cổ rồi giới thiệu đến kiến trúc sư Ba Lan Kazik. Những tên tuổi mà phố cổ đang “mắc nợ” có cố GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, KTS Hoàng Đạo Kính… Nhưng người xứng đáng được tri ân như GS Trần Quốc Vượng thì lại nghĩ khác. Trong một bài viết hồi năm 1998, ông cảm thán: “Sau này, nếu có ai đó định viết tiểu sử của tôi thì xin viết giùm một dòng là: Trần Quốc Vượng cảm thấy mình đã đắc đạo ở xứ Quảng”. Dấu chân ông dọc ngang xứ Quảng để nhận ra giá trị Hội An - nơi “trực tiếp lấy cảm hứng nhận thức” khi nhìn về dải văn hóa Nam đảo ven bờ biển Đông, về nền văn hóa cảng thị ở miền Trung.

Ở nơi GS Trần Quốc Vượng “đắc đạo” ấy, lại có những cái gây nhớ tưởng rất vụn, cứ như giăm gỗ giắt vào da thịt. Câu “thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn” là sự mặc định về không gian phố cổ. Những bà những mẹ ngày xưa thường mặc áo dài thong thả ra chợ dù quãng đường chỉ vài chục mét, như hồi ức của một người Hội An luống tuổi nhân buổi sáng ngồi uống cà phê ở góc đường Nguyễn Trường Tộ - Thái Phiên. Cả một chợ áo dài. Riêng cụ ông ngoài 80 tuổi ở đường Nguyễn Thái Học thì nhớ xa hơn, về thời bà nội mình suốt ngày cứ mặc áo dài vì lỡ khách vô chơi đột ngột thấy chủ mặc áo ngắn thì thất lễ.

Và lạ thay, chỉ mỗi cái vỉa hè trong khu phố cổ thôi mà nhiều người say sưa bàn luận. Gắn bó nhiều năm với phố cổ, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - quả quyết rằng “phong trào” dẹp vỉa hè đang rộ lên ở nhiều nơi nhưng không thể chạm đến phố cổ. “Hội An không cho phép biến vỉa hè thành nơi kinh doanh ăn nhậu, vì chỗ đó dành sẵn cho quang gánh. Nhìn những người gánh xí mà, chè, mì đi dọc phố, ai gọi thì dừng bán rồi lại đi, thấy bình yên chi lạ”, ông Sự nói. Là vì người ta vẩn vơ nhớ mùi hương trầm những đêm rằm hay mùng một thiêng liêng, gần gũi. Là vì người ta lo cảnh huyên náo thâu đêm sẽ lấn át tiếng rao khuya thân thiết. Là vì người Hội An đang muốn “bán” cái tĩnh lặng để sống…

Chúng tôi tản bộ qua vài tuyến phố cùng họa sĩ Trương Bách Tường, hậu duệ đời thứ 8 của tộc họ Trương, dòng họ đang lưu giữ ngôi nhà cổ được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tặng Giải thưởng công trạng. Anh Tường gợi ý muốn “gặp” lại một phố Hội xa xưa thì hãy chờ đến khuya hoặc thức dậy thật sớm. Do phố ấy sẽ trở lại nguyên vẹn hình hài ở vào thời khắc yên tĩnh, hay Hội An chưa bao giờ thay đổi trong ký ức người yêu phố? Mùi hương tinh khiết ấy, khi xưa Chế Lan Viên cũng đã trót một lần vương vấn: “Hội An không là quê/Mà là hương, khổ thế!/Quên quê, ai có thể/Hương ư, ôi dễ gì?”.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Biển người đổ về phố cổ Hà Nội vui tết Trung thu
>> Tái hiện Hà Nội 36 phố phường, phố cổ Hội An ở Hạ Long
>> Hội An kè khẩn cấp bảo vệ phố cổ
>> Hấp lực từ phố cổ Hội An
>> Giúp trẻ đường phố có giấy tờ tùy thân
>> Thu phí tham quan phố cổ Hội An phải đúng quy định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.