Hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp: Sau giải cứu lợn, dưa hấu... sẽ giải cứu gì?

13/06/2017 11:57 GMT+7

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Dương Tuấn (Bến Tre) hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Sau giải cứu lợn, dưa hấu sẽ giải cứu gì nữa đây, Bộ trưởng nói để người dân còn biết mà tránh.

Sáng 13.6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các ĐB về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội ngày 13.6 Ảnh: Ngọc Thắng
Còn phải giải cứu những mặt hàng nào nữa đây?
ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Từ nay đến năm 2018, trong lĩnh vực Bộ trưởng quản lý có thêm mặt hàng nào phải kêu gọi tổ chức và người dân giải cứu như thịt heo, dưa hấu? Đề nghị Bộ trưởng cho biết mặt hàng nào sẽ xảy ra tình trạng như vậy để người dân còn biết mà tránh?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: "Chúng tôi không nói là chúng tôi làm tốt hết. Đoàn tàu Nông nghiệp có ba khoang, chúng tôi mới làm tốt được khoang sản xuất (là con giống, là thức ăn), hai khoang còn lại là chế biến và tổ chức thị trường yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ chúng tôi không đổ cho ai. Phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chế biến..."
Một số ĐB cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chưa thỏa đáng, chưa tập trung, chưa có giải pháp cụ thể như sự mong muốn của đại biểu và đông đảo cử tri. Một số câu hỏi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn chưa trả lời khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng nhắc nhở.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sắp tới sẽ tính toán để sớm có giải pháp đối với nhiều thực trạng mà các ĐB đề cập.
Đại biểu Quốc hội Trần Dương Tuấn
Giải pháp có phải là giải pháp?
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Trong 8 giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp thì có 3 giải pháp là "đẩy mạnh", 3 giải pháp "tiếp tục rà soát, tăng cường...". ĐB Thúy thắc mắc liệu đây có được gọi là giải pháp?
ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nhấn mạnh điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục xảy ra những năm gần đây nhưng không được giải quyết.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan kiến nghị Bộ Nông nghiệp phải có giải pháp căn cơ nào đó ngoài việc kêu gọi "giải cứu lợn", kêu gọi người dân không nuôi lợn nữa.
Trả lời những chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc thừa thịt lợn là do sức sản xuất quá lớn trong thời gian ngắn. Đối với thịt lợn, ngoài việc tăng đột biến thì rổ thực phẩm có sự thay đổi. Trước đây thịt lợn là thực phẩm chủ yếu nhưng nay có nhiều thứ khác như thịt bò, trứng, gà, vịt... dẫn tới cung lớn hơn cầu.
Ông Cường lý giải, các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm thịt lợn rất ít, 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống. Hiện nay chỉ mới xuất khẩu được lợn sữa, mỗi năm 20 ngàn tấn, còn lợn thịt chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc.
Bộ trưởng Cường cho rằng Việt Nam còn kém về việc mở rộng thị trường, trang bị kỹ năng hội nhập... Trách nhiệm này có phần của ngành nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn của các nhà báo bên hành lang Quốc hội trước Phiên khai mạc Ảnh: Đình Nam/Quochoi.vn
Hải sản xuất khẩu bị trả lại có mang bán ở thị trường nội địa?

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) hỏi "Thủy, hải sản xuất khẩu bị trả lại thì có mang đi bán cho thị trường trong nước không?  Bộ trưởng Cường khẳng định "đối với việc xuất khẩu bị trả lại về nguyên tắc chung là không cho bán thị trường trong nước". Riêng vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời thêm bằng văn bản.

ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định) chất vấn tình trạng tàu vò thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng, ra khởi được vài lần đã bị hỏng, nhiều tàu phải nằm bờ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu. Cả nước hiện đã đóng mới được 297 tàu vỏ sắt công suất lớn. Nhìn chung các chuyến ra khơi, theo nhận xét của bà con ngư dân, các tỉnh báo cáo về, là phát huy được hiệu quả, đảm bảo an toàn, làm ăn có lãi.

"Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng tàu vỏ thép mới đóng bị hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên. Khi phát hiện, bộ đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Bộ đã yêu cầu hai công ty không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, hỏng sắt thì phải đóng lại sắt đúng chủng loại", ông Cường trả lời. 

"Công an cũng đã vào cuộc", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm về câu chuyện "đóng tàu vỏ thép".
100% kiến nghị của cử tri được trả lời
Trong sáng 13.6, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo báo cáo, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri, 63 đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, trong đó có 3.119 kiến nghị (chiếm 94%) thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Đến nay, 100% kiến nghị đã được trả lời.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.