Trong hai ngày 11 và 12, khách đến hội chợ có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm hàng Việt quá thiếu thốn, còn hàng nhái, hàng Trung Quốc bày bán rất công khai.
Gian hàng giỏ xách không xuất xứ, không nhãn mác tại hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền |
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định hội chợ là hoạt động để quảng bá, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng VN trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đi vào chiều sâu. Thế nhưng, thực tế trong hơn 400 gian hàng tại hội chợ, hàng Trung Quốc, hàng nhái chiếm đa số.
Hội chợ diễn ra từ 11 - 16.12, do Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công thương chủ trì, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo và Công ty quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng là đơn vị thực hiện. Trong hai ngày 11 và 12, khách đến hội chợ có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm hàng Việt quá thiếu thốn, còn hàng nhái, hàng Trung Quốc bày bán rất công khai. Trong hội chợ có đến vài chục gian hàng giày, dép chất thành đống, hoặc xếp trên kệ, dán mác “made in China”. Dù vậy, khi nhiều khách hàng và cả PV Thanh Niên hỏi hàng sản xuất tại đâu, chủ gian hàng vẫn vô tư nói: “Hội chợ hàng Việt thì chỉ có hàng Việt chứ hỏi chi?”.
Thêm nữa, rất nhiều đôi giày giá chỉ hơn 100.000 đồng vẫn vô tư bày bán với thương hiệu nổi tiếng. Khoảng 9 giờ 40 ngày 12.12, PV chứng kiến cảnh đội quản lý thị trường tại hội chợ đi kiểm tra, hỏi các chủ gian hàng có hàng Trung Quốc không. Khi PV trong vai người mua, cố tình đưa cho một cán bộ trong đoàn chiếc giày bày bán có ghi “made in China” và hỏi có phải giày Trung Quốc không thì ông này không trả lời, mà quay qua nhắc chủ cửa hàng tháo những chiếc giày nhái các thương hiệu nổi tiếng xuống “cất vào thùng đi, rồi khi khác bán!”.
Không chỉ giày dép, mà hầu hết các mặt hàng đều có sản phẩm nhái, hàng Trung Quốc, từ quần tây, quần jeans, áo sơ mi, giỏ xách, dây nịt, mắt kính, áo gió... “Chỉ mắt thường thôi cũng thấy là hàng Trung Quốc, không phải hàng VN. Cớ gì các cán bộ quản lý thị trường hoặc ban tổ chức không nhận thấy điều này. Hội chợ hàng Việt mà toàn đồ nước khác sản xuất, lấy gì để tôn vinh; người tiêu dùng sao còn tin tưởng?”, chị Nguyễn Hoàng Thu Thủy (trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) chán nản chia sẻ. Những doanh nghiệp Việt có mặt tại hội chợ thì ngao ngán, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc họ muốn quảng bá cho hàng Việt thực sự.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lữ Bằng, Phó giám đốc thường trực Sở Công thương Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức hội chợ, cho rằng: “Có lẽ là do các doanh nghiệp nóng ruột, muốn tăng doanh thu tại hội chợ nên trộn hàng vào để bán. Tôi đã chỉ đạo cho anh em tại hội chợ thu giữ tất cả các mặt hàng nhái, hàng không phải do doanh nghiệp VN sản xuất, không cho tiếp tục bán ở hội chợ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hội chợ”.
Bình luận (0)