Hội Địa lý quốc gia Mỹ cam kết khắc phục sai sót

27/03/2010 03:51 GMT+7

Hội Địa lý quốc gia Mỹ khẳng định sẽ sửa chữa những cách ghi chú sai liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng vẫn chưa rút các bản đồ sai trái khỏi hệ thống website của họ. * Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá VN * Gần lắm, Hoàng Sa

Sáng hôm qua, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã gửi tới Báo Thanh Niên bản thông cáo (đề ngày 25.3), trong đó khẳng định họ sẽ khắc phục sai sót. Bản thông cáo nêu rõ:

“Ủy ban Chính sách Bản đồ của Hội Địa lý quốc gia gần đây đã họp để bàn về vấn đề này một cách chi tiết hơn. Dựa trên những nghiên cứu và thông tin tốt nhất hiện có, Ủy ban Chính sách Bản đồ đưa ra phán quyết độc lập về những thay đổi trong tương lai hoặc những sự phân định rõ ràng trên các bản đồ của Hội, cũng như sẽ chỉnh sửa bất cứ sai sót nào.

Quy ước định danh đối với Paracel Islands (tên tiếng Việt là quần đảo Hoàng Sa - ND) trên các bản đồ của chúng tôi sẽ được sửa lại như sau:

Ở những bản đồ thế giới có tỷ lệ nhỏ: Sẽ sử dụng tên thông lệ - Paracel Islands; bỏ qua bất cứ sự ghi chú nào về chủ quyền.

Ở những bản đồ khu vực, châu lục hoặc bộ phận: Sử dụng tên thông lệ - Paracel Islands. Thêm vào đó có phần ghi chú: Trung Quốc chiếm đóng (occupied) vào năm 1974, gọi tên quần đảo là Xisha Qundao; Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gọi tên quần đảo là Hoàng Sa.

Quy ước này sẽ được áp dụng đối với các bản đồ được in trong tương lai, và trong các bản đồ tương ứng trên mạng”.

Đây là lần thứ hai NGS có thông cáo trả lời liên quan đến bộ bản đồ do họ phát hành, trong đó có nhiều chỗ ghi tên quần đảo Hoàng Sa theo cách của người Trung Quốc (Tây Sa quần đảo), kèm thêm phần phụ chú “China” (Trung Quốc) ngay phía dưới. Cách ghi này làm người xem bản đồ tưởng nhầm rằng quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc, một điều hoàn toàn sai sự thật.

Xin nhắc lại, các bản đồ ghi chú sai về Hoàng Sa của NGS đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của người Việt khắp hành tinh. Từ thông tin của các bạn đọc ở nước ngoài, Thanh Niên đã đưa tin và yêu cầu NGS giải thích rõ ràng cũng như phải khắc phục sai sót ngay lập tức. Các cá nhân và tổ chức người Việt khắp nơi đã cùng lên tiếng, đòi hỏi NGS phải thể hiện tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật trong việc vẽ bản đồ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - cũng như nhiều hội, đoàn trong nước - đã chính thức đề nghị NGS sửa sai.

Vào ngày 16.3, NGS lần đầu tiên ra thông cáo phúc đáp vấn đề này, trong đó thừa nhận một số sai sót của họ. Tuy nhiên, lời giải thích của NGS lúc đó vẫn chưa thỏa đáng. Báo Thanh Niên cùng nhiều bạn đọc tiếp tục phản đối cách giải quyết vấn đề của NGS, trong đó có việc họ chọn tên chính của quần đảo là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách gọi của người Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Báo Thanh Niên đã viết: “Một điều đáng lưu ý nữa trong thông cáo trên, đó là NGS vẫn bảo lưu ưu tiên lựa chọn tên gọi chính là Xisha, một cách gọi của người Trung Quốc, mà không chọn cách gọi quốc tế là Paracel như nhiều tổ chức khoa học uy tín khác. Cách làm này cho thấy NGS vẫn nghiêng sự thiên vị về phía Trung Quốc, dù họ luôn tự nhận là một tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận, phi chính trị”. Chúng tôi cũng đã chỉ rõ những điểm thiếu nhất quán trong các bản đồ của NGS và đề nghị khắc phục.

Những phản ứng về lời giải thích “chưa thỏa đáng” của NGS cuối cùng đã thu được kết quả, cụ thể là bản thông cáo đề ngày 25.3 của NGS như đã dẫn ở đầu bài viết. Thông cáo mới đã nêu rõ các phương pháp sửa chữa sai sót đối với các bản đồ do NGS phát hành. NGS cũng đã nêu rõ, ở những bản đồ lớn, họ sẽ ghi chú quần đảo Hoàng Sa “bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1974”, đó là một sự minh định rõ ràng. Cách ghi chú này tôn trọng sự thật lịch sử, rằng Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam vào năm 1974.

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Dương Danh Huy từ Anh nói rằng cách giải quyết vấn đề của NGS theo như thông cáo ngày 25.3 là tích cực, cho thấy cuộc đấu tranh vì lẽ phải của người Việt bước đầu đã thành công.

Tuy nhiên, đối với các bản đồ sai sự thật đã phát hành và hiện đang được đăng tải trên mạng (tại địa chỉ http://www.natgeomaps.com/worldmaps.html) thì vẫn chưa thấy NGS có động tĩnh gì. Lẽ ra, sau khi phát hiện ra sai sót, họ cần phải ngay lập tức rút các bản đồ sai sự thật khỏi hệ thống website của mình, đăng đính chính kèm theo lời xin lỗi. Đó mới là cách làm chuyên nghiệp và tôn trọng sự thật lịch sử. 

Thông tin NSG phát hành bản đồ sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa được các bạn đọc Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long ở Úc, Mỹ và New Zealand thay mặt rất nhiều người Việt ở khắp năm châu gửi tới Thanh Niên vào ngày 11.3.2010. Báo Thanh Niên ngay sau đó đã có bài Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa. Cùng lúc, các tổ chức và cá nhân người Việt khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau phản đối NGS. Kết quả cuối cùng là NGS đã đưa ra một sự giải thích và cách xử lý nhìn chung là thỏa đáng.

Thành công này cho thấy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa người Việt khắp năm châu, giữa người dân với chính quyền, báo chí cũng như các đoàn, hội để cùng nhau lên tiếng thì sẽ thu được kết quả tích cực.

Đây thực sự là một kinh nghiệm quý báu trên mặt trận thông tin vì chủ quyền đất nước, bởi hiện vẫn còn một số tổ chức quốc tế vì lý do nào đó đã đưa thông tin, hình ảnh chưa chính xác về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, như các bản đồ của Google Maps in sai vùng biên giới phía bắc Việt Nam hay mục về tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) trong từ điển bách khoa thế giới Britannica (Concise Encyclopedia - bản rút gọn được đăng tải trên mạng tại địa chỉ http://www.britannica.com/EBchecked/topic/251708/Hainan) có thông tin chưa chính xác, ảnh hưởng tới chủ quyền Việt Nam.

 

Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá VN

UBND xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) ngày 26.3 cho biết, thông qua hệ thống ICOM xã đã tiếp nhận thông tin về một tàu cá cùng 12 ngư dân đã bị phía Trung Quốc bắt, giam giữ tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) 5 ngày qua. Đó là tàu cá QNg-50362 TS do ông Tiêu Viết Là (50 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) làm thuyền trưởng và là chủ tàu, cùng 11 ngư dân. Trong lúc đang di chuyển ra khỏi vùng biển đảo Phú Lâm sau một đêm lặn tìm hải sâm, tàu đã bị phía Trung Quốc bắt giữ hôm 22.3, sau đó đòi nộp 150 triệu đồng tiền chuộc. Hiện gia đình ngư dân Tiêu Viết Là đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cũng cử người về xã Bình Châu xác minh, thu thập thông tin để sớm báo cáo UBND tỉnh.

Hiển Cừ

Gần lắm, Hoàng Sa

Đây là cuộc triển lãm được nhiều người chờ đợi nhất. Bởi đây là lần đầu tiên, những hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa được giới thiệu rộng rãi cho công chúng.

Nếu như trước đây, Hoàng Sa trong tâm thức nhiều người chỉ đơn giản là cái tên định danh cho một vùng đất của Tổ quốc, thì nay nó trở nên gần gũi, thân thương đến lạ. Lịch sử được tái hiện nguyên vẹn, sinh động qua bản đồ vẽ Hoàng Sa qua các thời kỳ, qua những tư liệu về tờ lệnh điều động binh sĩ ra vùng đất này thời nhà Nguyễn, qua những văn bản gốc về Hoàng Sa, những bức ảnh sinh hoạt, khung cảnh Hoàng Sa một thời.

Hoàng Sa còn nỗi khắc khoải đối với những người đã từng sống và làm việc nơi đây. "Ước gì, tôi được ra đảo lại một lần nữa thì có chết cũng sướng", đó là lời của ông Phạm Khôi, một trong những nhân chứng sống từng làm việc tại Hoàng Sa trong cuốn sổ chép tay Ký ức Hoàng Sa. Ở một góc khác, Hoàng Sa gắn liền với những kỷ vật nhỏ nhoi, những con ốc hoa tưởng chừng nhỏ bé nhưng là cả một khoảng trời ký ức thiêng liêng của những con người đã từng sống làm việc tại đó gìn giữ như những vật báu.

Đó là Hoàng Sa của quá khứ.

Còn Hoàng Sa ngày nay? Đó là Hoàng Sa gắn với những bức thư gửi tới của học sinh, sinh viên; qua những văn bản hành chính, thư tín, những hoạt động của một huyện đảo xa xôi của Tổ quốc; Hoàng Sa gắn với lá cờ đỏ sao vàng 100m2 của cụ bà 81 tuổi Phạm Thị Phán (Hải Dương) và những người bạn gửi tặng với tâm nguyện uống nước nhớ nguồn.

"Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để chứng minh điều đó là sự thật không thể chối cãi"; "Đây là một biểu hiện sinh động hữu hiện về chủ quyền của dân tộc"; "Là người dân Đà Nẵng, về với gian hàng trưng bày những hiện vật, di chỉ của bao thế hệ đã biểu hiện và khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Các thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm về sau, phải đấu tranh giành lại chủ quyền ở Hoàng Sa"... Những dòng viết trên là một phần trong cuốn sổ lưu niệm ghi lại cảm nhận của mọi người về triển lãm Hoàng Sa trong 2 ngày vừa qua ở Đà Nẵng. Trong đó, có cả những dòng nhắn nhủ, xúc cảm của những người dân Đà Nẵng ở mọi tầng lớp. Từ anh công nhân, chuyên viên của một công ty tin học đến những cán bộ hưu trí, bộ đội; từ những cán bộ lãnh đạo đến những dòng cảm nghĩ non nớt qua nét mực học trò vụng về của các em học sinh. Họ khác nhau về địa vị, tuổi tác, gia cảnh nhưng có một điểm chung, đó là lòng yêu nước.

Vũ Phương Thảo

  Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.