Hãng Bloomberg ngày 28.10 đưa tin tỉ phú Elon Musk dự định sẽ tạm thời đảm nhận vai trò CEO của Twitter, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỉ USD và sa thải bộ sậu chủ chốt.
“Mối tình” trắc trở
Trước khi tài khoản Twitter của tỉ phú Musk thay đổi thông tin giới thiệu thành “Chief Twit” (sếp Twitter) vào ngày 27.10, quá trình mua lại mạng xã hội này của ông đã trải qua nhiều trắc trở.
CEO Elon Musk chính thức trở thành ông chủ Twitter |
Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông mua lại 73,5 triệu cổ phiếu của Twitter với giá gần 2,9 tỉ USD. Thương vụ này được hé lộ vào ngày 4.4, giúp ông nắm 9,2% cổ phần và đẩy giá cổ phiếu Twitter tăng vọt với tin đồn ông đang muốn có vai trò tích cực trong công ty. CEO Twitter khi đó là ông Parag Agrawal hào hứng đề nghị ông Musk tham gia ban giám đốc, nhưng sau đó tỉ phú này từ chối và đề xuất mua lại mạng xã hội này với giá 54,2 USD/cổ phiếu. Twitter đồng ý, nhưng chỉ vài tháng sau, vị tỉ phú bắt đầu gây nghi ngờ về ý định mua lại, khi cáo buộc công ty đã không thông tin đầy đủ số lượng tài khoản tự động và giả mạo.
Trụ sở Twitter ở San Francisco (California, Mỹ) |
AFP |
Khi ông Musk tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận mua lại, Twitter đã khởi kiện, cáo buộc ông “từ chối tôn trọng các nghĩa vụ của mình đối với Twitter và các cổ đông của công ty vì thỏa thuận mà ông ấy ký không còn phục vụ lợi ích cá nhân của ông ấy nữa”. Tuy nhiên vào đầu tháng 10, ông đổi ý, quyết định quay lại mua Twitter với mức giá đề xuất ban đầu, nhiều khả năng nhằm tránh một cuộc chiến pháp lý tại tòa.
“Chú chim tự do”
Trên Twitter vào ngày 28.10, tỉ phú Musk viết ngắn gọn “chú chim được tự do”, hàm ý về những thay đổi lớn mà ông đang triển khai tại công ty.
Giải thích lý do mua lại Twitter, ông cho rằng “điều quan trọng đối với tương lai của nền văn minh là có một quảng trường kỹ thuật số dành cho tất cả mọi người, nơi người ta có thể tranh luận về nhiều thể loại tín ngưỡng một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực”.
Tỉ phú Elon Musk chính thức mua lại Twitter |
Reuters |
Ông còn dự định sẽ hủy bỏ lệnh cấm suốt đời đối với một số người dùng. Điều này có nghĩa là một số người có thể quay lại Twitter, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cấm từ ngày 8.1.2021 với lý do “nguy cơ gây kích động bạo lực hơn nữa”, sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào 2 ngày trước đó.
Chỉ vài giờ sau khi nắm Twitter, ông Musk đã sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong việc khóa tài khoản ông Trump là Vijaya Gadde, khi đó là người đứng đầu về chính sách và pháp lý tại công ty. Theo tờ The Washington Post, vị tỉ phú còn sa thải CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal và luật sư trưởng Sean Edgett.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Musk và ông Agrawal từng tranh cãi gay gắt trong giai đoạn đầu của quá trình thương lượng vụ mua lại. Bên cạnh đó, ông Musk cố gắng trấn an đội ngũ 7.500 nhân viên vốn lo sợ sẽ có đợt cho nghỉ việc lớn, đồng thời đảm bảo với các nhà quảng cáo rằng những lời chỉ trích trước đây của ông về các quy tắc kiểm duyệt nội dung của Twitter sẽ không ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của mạng xã hội này.
Nguồn tiền 44 tỉ USD từ đâu ?
Theo AFP, để mua Twitter, tỉ phú Musk đã dùng các nguồn tiền từ tài sản cá nhân, các quỹ đầu tư, vay ngân hàng và những nguồn khác. Dù sở hữu khối tài sản 221,3 tỉ USD, ông vẫn muốn tránh bỏ tiền hơn 15 tỉ USD từ tài sản cá nhân, nên dự định vay khoản 12,5 tỉ USD, đảm bảo bằng cổ phần của ông tại Tesla. Tuy nhiên, ông đổi ý và bán khoảng 15,5 tỉ USD cổ phiếu tại hãng xe điện này trong 2 đợt vào tháng 4 và tháng 8. Sau cùng, cá nhân ông bỏ ra hơn 27 tỉ USD.
Trong nguồn tiền mua Twitter còn có 5,2 tỉ USD từ các nhóm đầu tư và quỹ lớn khác, trong đó có 1 tỉ USD của ông Larry Ellison, nhà đồng sáng lập Công ty phần mềm Oracle, bên cạnh Công ty Qatar Holding thuộc Quỹ đầu tư quốc gia Qatar. Phần tiền còn lại là từ nguồn vốn vay ngân hàng, bao gồm từ các ngân hàng Morgan Stanley, Bank of America, Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho, Barclays, Societe Generale và BNP Paribas.
Bình luận (0)