Hội Kỳ - ngôi làng biết... 'tủi thân': Dấu hỏi bảo tồn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/06/2018 12:22 GMT+7

Những giá trị tự có của làng cổ Hội Kỳ (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị) đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định nhưng định hướng bảo tồn ngôi làng này trong tương lai vẫn là một dấu hỏi lớn.

Mới dừng ở... chủ trương
Trả lời trên một tờ báo lớn vào năm 2013, ông Nguyễn Hữu Thắng khi đó là Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị cho hay đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích danh thắng Quảng Trị lập hồ sơ về làng Hội Kỳ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận di tích quốc gia. Nhưng nay là năm 2018, ông Thắng đã về hưu được gần 1 năm, mà cái hồ sơ của làng Hội Kỳ không biết đã “đi” tới đâu.
Trong khi đó, những ngôi nhà qua hàng trăm năm tuổi đã bị hư hại nặng nhưng vật liệu thay thế hiếm, kinh phí sửa chữa lớn, đòi hỏi thợ giỏi nên thật khó để đổ hết gánh nặng này lên vai các gia đình đang sở hữu nhà cổ. Chính vì thế, nhà cổ lại bớt cổ vì những vật liệu “lạ” xuất hiện ngày càng nhiều là bê tông, gạch men…
Một ngôi nhà ở làng Hội Kỳ ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý di tích Quảng Trị khẳng định việc bảo tổn làng cổ Hội Kỳ là cần thiết và thậm chí là bức thiết trong lúc này. Theo ông Thọ, bảo tồn phải có khoa học và kết hợp giữa 3 nhân tố: người dân, người làm bảo tồn và cơ quan quản lý nhà nước… Có vậy mới giải mã được bài toán khó của việc bảo tồn và phát triển.
Liên hệ với làng Hội Kỳ, ông Thọ cho rằng điều may mắn là ý thức của người dân địa phương rất cao bởi có nhận thức bảo tồn thì họ mới không phá nhà sau bao năm qua. Thứ nữa, chính quyền địa phương, cấp thôn, cấp xã, cấp huyện cũng nhìn nhận ra giá trị của Hội Kỳ và mong mỏi làng cổ này được công nhận để từ đó tạo điểm nhấn cho địa phương, thậm chí để phát triển văn hóa, du lịch. Cuối cùng, các ban ngành cấp tỉnh (là Bảo tàng, Ban quản lý di tích, Hội khoa học lịch sử, Sở VH-TT-DL…) cũng không đứng ngoài cuộc khi cùng tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát về thực địa. Nhưng vấn đề là tại sao Hội Kỳ đến bây giờ vẫn là ngôi làng… không danh phận?
Với hàng loạt nhà cổ nhưng làng Hội Kỳ chưa có danh phận ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Trả lời câu hỏi này, ông Thọ nói thẳng ra rằng các tổ chức hội, đoàn thể chỉ mang chức năng tư vấn phản biện còn trách nhiệm để lập 1 bộ hồ sơ nghiên cứu chi tiết trình chính quyền các cấp và Bộ VH-TT-DL thẩm định thì phải là Sở VH-TT-DL tỉnh chứ không thế đùn đẩy cho ai. “Khoảng 6 năm trước, câu chuyện về làng Hội Kỳ được đưa vào kế hoạch của Sở VH-TT-DL nhưng “tắc” từ đó đến giờ. Và việc để được công nhận là phải có kế hoạch, quy trình thực hiện từng bước một chứ không phải là chủ trương chung chung. Thực tế, đến bây giờ làng Hội Kỳ chỉ được gọi nôm na là “làng cổ” chứ chưa được công nhận là di tích, di sản cấp tỉnh thì làm sao mơ đến tầm quốc gia”, ông Thọ nói.
Dân e ngại với danh hiệu
Bên kia sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên-Huế được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch. Nhiều người cho rằng làng cổ Hội Kỳ nếu được khảo sát đánh giá và đầu tư đúng mức thì có thể trở thành một tuyến du lịch lý tưởng trên hành lang Đông - Tây, hoặc một điểm dừng của tuyến du lịch nhà thờ La Vang - Trằm Trà Lộc - bãi tắm Mỹ Thủy...
Thế nhưng, không phải tất cả người dân Hội Kỳ đều tỏ ra thích thú, lạc quan với những danh hiệu. Dẫu rằng, ai cũng sẽ thấy tự hào khi quê hương bản quán được vinh danh trên bản đồ làng cổ nước nhà, nhưng kèm theo đó là những lo ngại về những hệ lụy về sau, khi đã được công nhận.
Người dân lo ngại những giá trị cốt lõi của làng cổ Hội Kỳ sẽ còn mãi trong cuộc xung đột với sự phát triển ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ông Dương Văn Mạnh, người đang giữ gìn nhà cổ “Tích Khánh Đường” cho rằng: “Có thể làng Hội Kỳ bây giờ không ồn ã nhưng lại yên bình. Phàm là nhà cổ thì cứ để thế đi, chứ ồn ào quá, rình rang quá thì không còn ra cái nếp nhà cổ nữa”.
Người đàn ông đã 62 tuổi này còn lo ngại rằng, sự công nhận sẽ đi kèm với hệ lụy khi du khách đến đông, mang theo những nếp sống hiện đại đến với nhà cổ. Điều nữa, ông Mạnh lo gia đình sẽ mất đi “quyền làm chủ” đối với ngôi nhà của tổ tiên để lại khi chịu sự quản lý của các cấp, nếu có muốn sửa chữa khi hư hỏng cũng rất rườm rà, phức tạp…
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý di tích Quảng Trị cho biết sự e ngại của người dân là điều dễ hiểu và xung đột giữa bảo tồn - phát triển luôn nóng bỏng nhưng không phải là không thể giải quyết hài hòa. “Nếu cả người dân, du khách, chính quyền và ngành chức năng cùng nhìn về một hướng, cùng hướng tới điều tối thượng là bảo vệ những giá trị cổ ở Hội Kỳ thì mọi việc hẳn sẽ trôi tròn”, ông Thọ nói.
Như dòng sông Ô Lâu luôn phải chảy ra biển lớn, đời sống con người dù là ở Hội Kỳ hay bất cứ nơi nào đi nữa cũng không thể đứng yên mà cần phát triển, nhưng hi vọng rằng sự phát triển sẽ không làm vỡ vụn những gì còn sót lại ở ngôi làng này từ thời khai canh lập xứ. Để Hội Kỳ được đặt xứng đáng vị trí của nó chứ không chỉ đứng “tủi thân” bên dòng Ô Lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.