Hội nghị đầu tiên về các trường ĐH-CĐ ngoài công lập: Nhìn lại 20 năm để tiếp tục... gỡ rối

31/01/2007 23:02 GMT+7

Kể từ khi ĐH dân lập Thăng Long ra đời vào tháng 3.1988 tại Hà Nội, đến nay lần đầu tiên mới có hội nghị toàn quốc bàn về hệ thống trường ĐH ngoài công lập (CL). Hơn 200 đại biểu từ 45 trường ĐH-CĐ bán công, dân lập và tư thục đã tham dự hội nghị được tổ chức tại Đồng Nai vào hôm qua 31.1.

Báo cáo tại hội nghị, TS Phạm Mạnh Tiến (Phó vụ trưởng Vụ ĐH sau ĐH, Bộ GD-ĐT) sau khi nêu bật các tiến bộ của hệ thống trường ngoài CL đã đề cập đến nhiều yếu kém tồn tại ở hệ thống trường này. Về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiều trường chưa thống nhất theo văn bản pháp quy đã ban hành.

Trường ĐH dân lập Hải Phòng hoạt động suốt 10 năm mà không có phó hiệu trưởng, trong lúc ở ngay Hà Nội thì Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại có đến... 11 phó hiệu trưởng. Trong nhiều năm qua, vấn đề quan hệ nội bộ một số trường có nhiều bất cập; hội đồng quản trị (HĐQT) một số trường mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trường. Có trường HĐQT trong nhiều năm không tham gia họp với cán bộ viên chức của trường, hiệu trưởng không chấp hành nghị quyết của HĐQT... Phần lớn các trường chưa có quy chế chi tiêu nội bộ, chưa công khai minh bạch về tài chính. Hai tháng trước hội nghị này, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường báo cáo những nội dung cơ bản về tài chính nhưng cũng chỉ có 14/45 trường báo cáo!

Về công tác tài chính - tài sản, TS Nguyễn Văn Ngữ (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT) nhận định: "Tổng giá trị tài sản các trường tăng nhanh, nhưng một phần đáng kể là giá trị của tài sản đi thuê, đi mượn; tỷ lệ giá trị tài sản thuộc sở hữu thực của các trường chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn". Công tác phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý chưa tương xứng với tốc độ tăng quy mô đào tạo, trong tổng số chi hằng năm của các trường thì "chi cho con người chiếm tỷ lệ cao nhất".

Phần đáng kể của tổng số chi cho con người dùng để trả tiền cho đội ngũ thỉnh giảng, tỷ lệ chi lương cho đội ngũ cơ hữu chiếm tỷ trọng thấp và thay đổi rất chậm qua các năm. Điều này chỉ ra rằng số lượng giảng viên và cán bộ cơ hữu của trường được bổ sung hằng năm với số lượng rất ít, thậm chí ở một số trường còn có xu thế giảm sút; phần lớn khối lượng giảng dạy của các trường được thực hiện do giảng viên thỉnh giảng. Đây là điều cần sớm được khắc phục để tránh tình trạng lệ thuộc vào bên ngoài.

Mặc dù có nhiều yếu kém được nêu ở trên nhưng GS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài CL) cho rằng: "Hệ thống trường ngoài CL vẫn có những mặt mạnh rất quan trọng như có được sự tự chủ, đồng tiền được sử dụng với hiệu quả cao. Ở các trường ngoài CL không có "cái phiền của biên chế", không thể có tình trạng giảng viên không còn khả năng giảng dạy tốt mà vẫn phải phân công lên lớp.

Bộ máy các trường ngoài CL tinh gọn, nền nếp quản lý chặt chẽ hơn". Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị cho biết sẽ tổ chức hội nghị này hằng năm, thành lập một tổ công tác đặc biệt do một thứ trưởng phụ trách để giải quyết kịp thời các chính sách chưa hợp lý của hệ thống trường ngoài CL, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu lại chính sách thuế cho các trường hợp lý hơn...

Hôm nay 1.2, tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ tiếp tục chủ trì một hội nghị nữa bàn về đào tạo theo nhu cầu xã hội của khối ĐH, CĐ.

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.