Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG): Cảnh báo tình trạng chậm giải ngân vốn ODA

02/06/2007 00:01 GMT+7

Hôm qua (1.6), tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), hội nghị CG giữa kỳ đã được tổ chức. Mặc dù ghi nhận những cố gắng từ các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh việc giải ngân sử dụng nguồn vốn ODA, nhưng các nhà tài trợ cũng cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn ODA đã cam kết còn chậm và đề nghị phía Việt Nam nỗ lực hơn trong các hoạt động cải cách hành chính đi đôi với phòng, chống tham nhũng, phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà tài trợ để nguồn vốn ODA được giải ngân nhanh, hiệu quả hơn…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận định các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đã đạt được nhiều bước tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà 2 bên phải giải quyết để đẩy nhanh tiến độ sử dụng vốn ODA, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho các dự án, nhất là vấn đề hài hòa  hóa các thủ tục.

Theo báo cáo của Tổ công tác ODA của Chính phủ tại hội nghị, "tình hình triển khai chậm và tốc độ giải ngân thấp là căn bệnh trầm kha tại các chương trình, dự án ODA". Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 10.5.2007, nguồn vốn ODA đạt khoảng 1,216 tỉ USD, trong đó vốn vay đạt 1,195 tỉ USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 21 triệu USD. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính vốn ODA giải ngân chỉ đạt 709 triệu USD, bằng khoảng 37% kế hoạch năm. Theo đánh giá chung của Tổ công tác ODA và các nhà tài trợ, tình hình triển khai chậm các chương trình, dự án ODA và tốc độ giải ngân thấp hơn so với các nước trong khu vực... đã trở thành "mối quan ngại sâu sắc".

Sự chậm trễ trong triển khai các dự án ODA dẫn đến tăng các chi phí cam kết với nguồn vốn chưa được giải ngân và chi phí đầu tư cũng tăng do giá đất tăng mạnh... Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ được phân tích là do quá trình chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án ODA kéo dài và tốn kém; quá trình khởi động cũng như thực hiện cũng rất chậm. Năng lực quản lý dự án, khung pháp lý về đầu tư công chưa đồng bộ, sự lúng túng về vai trò của các cơ quan chủ quản... Nhiều dự án phải mất ít nhất 1 năm sau khi phê duyệt mới bắt đầu triển khai. Hầu hết các dự án, tính đến cuối năm thứ 2 của vòng đời dự án mới chỉ giải ngân được 5%. Các dự án được Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ mất trung bình hơn 8 tháng cho thời gian chuẩn bị; các dự án do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ mất 9 tháng để khởi động (năm 2005), tức là gấp đôi thời gian quy định của WB... Đã có khoản vay 84,5 triệu USD bị hủy bỏ trong năm 2006. Nhiều dự án khác đã phải yêu cầu gia hạn.

Hội nghị CG giữa kỳ đi đến kết luận phải thực hiện một số giải pháp "nóng" để đẩy nhanh tiến độ giải ngân như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xác định rõ vai trò của các cơ quan chủ quản, chủ dự án... tổ chức đào tạo về quản lý dự án; hài hòa hóa các đề cương chi tiết dự án của Chính phủ với các tài liệu, ý tưởng dự án của nhà tài trợ...; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho việc kiểm tra, thanh quyết toán... và đặc biệt là phải đẩy nhanh quá trình tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án. 

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.