PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trả lời:
Khi trẻ là F0, phụ huynh cần căn cứ vào triệu chứng lâm sàng mới quyết định trẻ nhập viện hay không. Ví dụ trẻ tiền sử đẻ non, trẻ đái tháo đường, trẻ bị tim bẩm sinh, hen phế quản, phổi mạn tính... nếu bệnh không ổn định phải cho trẻ vào viện. Nếu trẻ có bệnh nền nhưng tình trạng bệnh ổn định, chúng ta có thể để trẻ điều trị tại nhà.
minh họa: Shutterstock |
Thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…
Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện. Khi trẻ có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím… thì nhanh chóng đưa trẻ vào bệnh viện.
Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà, người nhà nên liên hệ với đường dây y tế cố định để theo dõi ngay từ đầu, tránh lúng túng, hoang mang.
Nên cách ly bao lâu để tránh lây Covid-19 cho người khác? |
Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng 'lựa chọn bệnh viện' không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện hoặc viện có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bình luận (0)