|
Hạn chế về năng lực
Đại diện cho nhóm nghiên cứu công bố kết quả khảo sát, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết 2012 là năm đầu tiên VCCI tiến hành khảo sát điều tra về thực trạng năng lực hoạt động của các hiệp hội nhằm thúc đẩy quá trình chia sẻ kinh nghiệm tốt giữa các hiệp hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua khảo sát 78 trên tổng số khoảng 400 hiệp hội, với Bộ chỉ số gồm 5 chỉ tiêu thành phần (Chiến lược phát triển và năng lực quản trị; Năng lực tài chính và cơ sở vật chất; Năng lực vận động hội viên; Năng lực vận động chính sách; và Năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp - DN), nhóm điều tra của VCCI đánh giá “dù có sự chuyển biến trong thời gian qua nhưng bức tranh về năng lực hoạt động của các hiệp hội chưa thực sự sáng sủa. Đa phần hiệp hội nằm ở khu vực có năng lực hoạt động ở mức cơ bản và khá, rất ít hiệp hội được đánh giá ở mức đáp ứng cao”.
Đơn cử, theo ông Tuấn, để bảo vệ được quyền lợi của DN, hiệp hội phải am hiểu các chính sách, pháp luật trong và ngoài nước, để có thể giúp DN có đủ thông tin về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình khi tham gia các hoạt động sản xuất, thương mại và cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, năng lực tư vấn pháp luật, chính sách cho hội viên vẫn còn hạn chế. Đáng lưu ý đây lại là hoạt động kém thường xuyên nhất của các hiệp hội. Thậm chí, từ năm 2007 - 2011, hoạt động này không những không tăng mà còn giảm sút về số lượng (từ 15 xuống còn 14 hoạt động).
Tương tự, năng lực phục vụ hội viên cũng còn rất hạn chế. Các hiệp hội hiện đang cung cấp một số nhóm dịch vụ như xúc tiến thương mại, giúp DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm; cung cấp thông tin; kết nối giữa DN với chính quyền. Tuy nhiên, việc lựa chọn các dịch vụ để cung cấp thông tin chưa thực sự hướng tới nhu cầu hội viên hay thị trường. Theo đó, trong số 78% hiệp hội được phỏng vấn, có 28% lựa chọn dịch vụ cung cấp tùy theo điều kiện của hiệp hội với suy đoán rằng dịch vụ đó cần cho hội viên; chỉ có 17% thực hiện nghiên cứu đầy đủ và có tính khoa học về nhu cầu khách hàng và thị trường cũng như xu hướng nhu cầu trong tương lai gần trước khi lựa chọn dịch vụ.
Chưa là chỗ dựa của doanh nghiệp
Tham dự buổi công bố, TS Lê Đăng Doanh dí dỏm rằng, báo cáo đưa ra bức tranh một mặt vừa vui, một mặt rất đáng lo ngại của các hiệp hội. Vui vì thấy hiệp hội ra đời là sống được, chưa thấy tổ chức nào “chết yểu hay giống như mấy ông ngân hàng phải lâm vào vòng lao lý, kiện tụng”. Ghi nhận một số hiệp hội đã có những hỗ trợ tích cực với DN, song theo ông Lê Đăng Doanh, nhiều DN không mặn mà vào hiệp hội vì không tìm thấy lợi ích của mình ở đó. Ông dẫn chứng: “Tôi có hỏi một số DN vì sao không muốn gia nhập thì các DN bảo không rỗi hơi vì còn đang lo sốt vó cho sự sống còn của DN mình. Nhiều hiệp hội hiện nay “hiệp” thì có nhưng ít, còn “hội” thì nhiều, chủ yếu thiên về hội họp, gặp gỡ, phổ biến nghị quyết, hoạt động văn nghệ, còn tiếng nói của hội viên thì hãn hữu”. Chuyên gia này đồng thời dẫn lại phản ánh khác của DN là nhiều hiệp hội khi đối thoại với chính quyền thì hoan hô là chính trong khi DN thì còn rất nhiều bức xúc. Ví như có DN phản ánh bị nâng tiền thuê đất lên cao trong lúc hoạt động khó khăn mà chẳng thấy hiệp hội lên tiếng gì cả. Điều này xuất phát từ việc nhiều hiệp hội kinh phí hoạt động vẫn còn trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước. TS Doanh cho rằng nhà nước nên sớm có luật về hiệp hội để phát huy tiềm năng hoạt động của loại hình này, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.
TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền lý luận của Báo Nhân Dân, bày tỏ bất ngờ khi 100% hiệp hội được khảo sát hiện không có trụ sở để hoạt động. Hay như Hà Nội có hàng trăm nghìn DN nhưng hiệp hội DN nhỏ và vừa chỉ có khoảng 800 hội viên, chỉ chiếm khoảng 1%, số hội viên nợ tiền phí ngày càng nhiều, và cho rằng “đó là bức tranh đáng lo ngại”.
Bảo Cầm
Bình luận (0)