Trong một lần đi chợ An Hữu ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, tôi thấy một con cá có hình dáng tương tự cá chép với vảy trắng, vây đỏ, nặng 5kg được bán với giá 150.000 đồng/kg. Hỏi ra, được biết đó là cá cóc, một loại cá đặc sản, quý hiếm ở sông Tiền mà người dân đi câu bắt được. Với đặc điểm thịt cá thơm ngon, ít xương, loài cá này trước đây có rất nhiều trên sông Tiền nhưng nay gần như tận diệt do quá nhiều người săn bắt.
>> Hãy cứu hồ Ba Bể
>> Chạy mùa cá
>> Giải cứu loài cá bí ẩn trên dòng Mê Kông
Loài cá quý, hiếm
Theo các ngư dân lâu năm ở xã An Hữu, cá cóc giống cá chép, trên lưng cá có kỳ nhọn và bén như răng cưa, sống ở sông Tiền, sông Hậu với trọng lượng lớn nhất cả chục ký.
Lão ngư Sáu An (xã Hòa Khánh), 60 tuổi, hành nghề đánh cá trên sông Tiền từ thuở nhỏ, kể: Cá cóc ở sông Tiền cách đây chục năm rất nhiều. Vào lúc con nước đứng lớn, từng đàn cá đổ xô về các vùng nước sâu, chảy xiết để tìm mồi, đặc biệt tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ ở xã Hòa Hưng… Sau mùa lũ hàng năm, đàn cá cóc thường ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Công sinh sản, còn đàn cá con lại xuôi dòng về sông Tiền, sông Hậu để tìm thức ăn và trưởng thành.
|
Muốn bắt cá cóc, ngư dân ở miệt sông Tiền, sông Hậu thường thả lưới ngầm và giăng câu ngầm. Lưới ngầm là lưới thả sát đáy sông, còn giăng câu ngầm là dùng dây có gắn nhiều lưỡi câu móc mồi (thường là tôm sống hoặc trùn hổ) rồi thả sâu xuống đáy vào thời điểm nước đứng lớn. “Nhớ lại trước đây, mỗi ngày câu cả chục con cá cóc 7-8kg trở lên là chuyện thường, còn bây giờ nhiều người bắt quá nên ngày càng khan hiếm, có khi thả câu cả mấy ngày cũng chẳng bắt được con nào, nếu có chỉ là cá nhỏ chừng 3-5kg/con mà thôi”, ông Sáu tiếc rẻ.
Thịt cá cóc ngọt, thơm và ít xương, được chế biến thành nhiều món ăn đậm nét sông nước Nam bộ: cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua, cá cóc chưng tương… Vì khan hiếm nên hiện nay giá cá cóc tại chợ khá đắt, trung bình từ 150.000 đồng/kg trở lên, giá bán tại các nhà hàng, quán ăn từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Nhân giống
Cá cóc có tên khoa học Cyclocheilichthys enoplos, thuộc họ cá chép Cyprinidae, có mặt ở một số nước thuộc lưu vực sông Mê Công, trong đó có Việt Nam và tập trung nhiều ở sông Tiền và sông Hậu.
Năm 2000, các nhà khoa học của Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè) đã triển khai đề tài khoa học bảo tồn cá cóc. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hỗ trợ thủy sản nước ngọt của Bộ Thủy sản (trước đây) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo để sản xuất giống cá cóc nhằm bổ sung giống loài mới vào cơ cấu đàn cá nuôi là việc làm cần thiết, đồng thời còn góp phần gìn giữ nguồn gien loài cá đang ngày càng trở nên hiếm hoi.
|
Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, người gắn bó với công việc “bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt” như cá hô, cá trà sóc…, một trong những nhà khoa học tham gia đề tài, kể lại: Năm 2001, các nhà nghiên cứu bắt đầu tập hợp cá cóc bố mẹ từ các ngư dân đánh bắt ở An Giang, Tiền Giang… Vì loại cá này rất mau chết sau khi đưa lên khỏi mặt nước nên các nhà khoa học đã hướng dẫn ngư dân cách đánh bắt bằng ngư cụ thích hợp và cách bảo dưỡng trước khi vận chuyển về trung tâm để thuần dưỡng. Sau khi thả trong hầm một thời gian, đàn cá được đưa về thả vào ao tại trung tâm để thích nghi với môi trường nước tĩnh thay vì nước động ở ngoài sông.
Dẫn chúng tôi ra một ao nuôi đàn cá cóc bố mẹ, thạc sĩ Thi Thanh Vinh không giấu nỗi tự hào khi chỉ đàn cá cóc to, khỏe hơn 200 con đang ngoi lên, ụp xuống ăn mồi! Nhờ kinh nghiệm và sự nỗ lực của các nhà khoa học tham gia đề tài, đàn cá cóc bố mẹ nhanh chóng thích nghi hoàn toàn với môi trường mới. Thời gian đầu, đàn cá được cho ăn tôm, tép và cá nhỏ… sau đó mới cho ăn thức ăn viên công nghiệp như các loài cá khác.
Hiện nay, đàn cá bố mẹ đã sinh sản thành công với lứa cá giống đầu tiên khoảng 2.000 con ra đời. Hàng năm, đàn cá bố mẹ đều được chọn lọc để thay thế những con đã già. “Đàn cá cóc trong ao hiện đã là thế hệ F2 sau khi chọn lọc” - thạc sĩ Thi Thanh Vinh khoe. Trung tâm đã nuôi thử nghiệm cá cóc thế hệ F10 ở một số mô hình điểm trong dân và nhận thấy đàn cá phát triển tốt, sau 12 - 15 tháng đạt cá thương phẩm (từ 200 đến 300g/con).
Cá cóc có thể được nuôi ghép với các loài cá khác trong ao đìa, quầng, bè như cá tra, cá rô phi. Được biết, một cơ sở nuôi ương cá giống ở Cai Lậy (hộ ông Tám Vũ) đã nhận từ trung tâm 5.000 con cá cóc bột về để ương và cung cấp cho các hộ có nhu cầu nuôi cá cóc thương phẩm.
Việc bảo tồn, nghiên cứu sinh sản nhân tạo để sản xuất giống cá cóc thành công cũng như cá hô, cá trà sóc… đã góp phần bổ sung giống loài mới vào cơ cấu đàn cá nuôi, đồng thời góp phần gìn giữ nguồn gien loài cá bản địa quý hiếm ở sông Mê Công.
Theo SGGP
Bình luận (0)