Chậu hoa nhỏ trong góc một phòng thí nghiệm trên nước Nga đang gây ấn tượng đặc biệt. Đó chính là sinh vật đa bào cổ xưa nhất trên trái đất.
Cây hoa có tên gọi Silene stenophylla đã được hồi sinh bằng cách sử dụng hạt giống bị vùi trong hang của loài sóc, trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia cách đây hơn 30.000 năm. Các hạt giống này đã tạm dừng hoạt động trong môi trường đông lạnh một thời gian dài, nhưng khi “rã đông” thì sự sống quay trở lại.
Bước đột phá này cho thấy những hình thể sống xa xưa từ lâu đã biến khỏi mặt đất vẫn còn được bảo quản đâu đó trong môi trường lạnh lẽo, hoang vắng. Nó cũng gợi lên hy vọng nếu tìm được hình thể sống bị vùi dưới lớp băng trên sao Hỏa, con người vẫn có thể giúp hồi sinh.
Theo báo Daily Mail, những hạt giống được đào lên từ một cái hang hóa thạch của loài sóc gần Kolyma (Nga), ở độ sâu 38m, môi trường âm 7 độ C. Đây là nơi mà vào thời kỳ băng hà con người đã từng sống bên cạnh voi ma mút và người Neanderthal. Phân tích phóng xạ carbon cho thấy những hạt giống này có niên đại từ 31.500-32.100 năm. Nghiên cứu dưới kính hiển vi hiện đại cho thấy chúng thuộc về loài thực vật Silene stenophylla. Đó là một loài thân thảo, hoa màu trắng, mọc ở nhiều nơi trên trái đất ngày nay.
Trong môi trường vô khuẩn, các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật tăng trưởng hiện đại cho phép phát triển nhiều cây từ một cá thể trong thời gian ngắn. Điều thú vị là không chỉ hồi sinh, 1 năm sau loại cây 31.000 năm tuổi này cũng ra hoa và đậu quả không có gì khác biệt với loài Silene stenophylla hiện đại.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)