Hội thảo “Để phim VN đến được với khán giả”: Khi gió đổi chiều...

22/11/2007 23:35 GMT+7

Một cuộc tọa đàm duy nhất trong khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ ở Liên hoan phim (LHP) VN lần thứ XV với những bản tham luận được chuẩn bị sẵn, lần lượt được đọc theo cách rất một chiều.

Tiếng Anh có một từ rất hay gọi là "pitch" có thể hiểu nôm na là sự chuyển động tương tác. Một hội thảo hay tọa đàm cần có sự "pitching" nghĩa là trao đổi thông tin qua lại để đạt được một kết quả tích cực. Thì có thể nói ngay, tọa đàm “Để phim VN đến được với khán giả” thiếu sự pitching giữa những nhà làm phim, có thể do sự hạn hẹp thời gian, và có thể do một kịch bản hội thảo của ban tổ chức đã rất chặt chẽ.

"Điện ảnh nhà nước và tư nhân đoàn kết lại!"

Mượn lời của Karl Marx với bối cảnh hiện tại của điện ảnh VN rất chính xác. Nếu như thời gian trước, điện ảnh tư nhân hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn, trong phim nhà nước với một cơ chế bao cấp, làm phim hằng tháng, duy trì đều đặn lương thưởng cho người làm phim theo biên chế nhà nước, phim hay hay dở cứ thế đến hẹn lại lên, thì bây giờ đã khác. Bây giờ mà vẫn còn tranh cãi về giá trị của phim tư nhân, phim nhà nước đã thành chuyện nực cười. Nhà sản xuất phim tư nhân Phước Sang cho rằng: "Thương trường như chiến trường, phim trường như chiến trường nhưng có lẽ đã đến lúc đừng coi phim trường là chiến trường nữa, mà các nhà làm phim tư nhân hay nhà nước hãy cùng hợp lực lại trong một trạng thái khác, đó là sự chia sẻ".

Nhà sản xuất phim Phước Sang: “Nhiều ý kiến cho rằng phim tư nhân chỉ hướng đến lợi nhuận chứ không hướng đến nghệ thuật, như vậy thật oan uổng cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể không hướng đến lợi nhuận vì không thu hồi được vốn làm sao có thể tái sản xuất? Chúng tôi xác định phim cho khán giả chứ không phải để thi thố hay đi theo những mục đích xa rời thực tế khác”.

Đạo diễn Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng phim truyện VN: “Số lượng phim, rạp phim, người làm phim tăng hơn, khán giả VN cũng đến với phim VN đông hơn. Nhưng đa số phim làm ra vẫn lỗ, các hãng phim nhà nước chủ yếu lo kiếm tiền để trả lương cho cán bộ công nhân viên hơn là lo làm phim hay”.

Đạo diễn Việt Linh: “Có bất công với khán giả hay không khi ngay chính chúng ta, những nhà làm điện ảnh VN có bao nhiêu người có nhu cầu đến rạp xem phim mỗi tháng? Nhu cầu bắt nguồn từ thói quen, mà chúng ta dường như đã thiếu thốn thói quen từ lâu, một thói quen giải trí tưởng dễ dàng nhất, thói quen đến rạp xem phim".

Một hội thảo chuyên ngành, mục đích đặt ra tưởng xác thực nhưng lại làm hầu hết những người tham dự hoang mang hơn cho thực trạng điện ảnh VN. Các nhà tổ chức hội thảo này muốn nghe tất cả các ý kiến khác nhau, các bài học khác nhau nên nhiều ý kiến của các đại biểu mang đến sự tự hào kiểu như có tỉnh mua mất 1 triệu đồng tiền bản quyền phim đã chiếu bán vé được 200 triệu, một người khác lại khoe họ chỉ bán vé xem phim với giá 5 ngàn đồng cho người dân. Người làm phim nghe mà xót xa.

Ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh trong bài tham luận mở đầu cuộc tọa đàm đã nói: "Khán giả là thượng đế, khán giả là dinh dưỡng cho nghệ thuật. Và ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ cao, sự quảng bá của truyền thông, sự giao lưu quốc tế vô cùng rộng rãi thì các loại hình nghệ thuật đều phải chấp nhận cạnh tranh". Bất cứ nhà làm phim nào cũng mong muốn có người xem, không ai dám nói không quan tâm đến khán giả.

Đến lúc phim nhà nước kêu cứu!

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh - một hình thức khác của hãng phim thuộc về Nhà nước đã làm cho cử tọa ngạc nhiên khi bày tỏ ý kiến của mình như một sự kêu cứu, rằng phim tư nhân dường như đang "cướp" khán giả của phim nhà nước. Khi mà ngay cả rạp chiếu Tết tư nhân cũng đã "xí" chỗ rồi, phim nhà nước vừa không được quảng bá, thiệt thòi vừa được chiếu ít buổi khán giả chưa kịp biết đã cất vào kho.

Nghĩa là bây giờ gió đã đổi chiều rất nghịch lý: Phim nhà nước luôn ở thế bị động, các nhà sản xuất phim nhà nước với tư duy cũ kỹ và nếp bao cấp lâu năm đứng trước sự năng động của tư nhân, thay vì thay đổi để theo kịp đường đua công bằng thì họ lại lên tiếng kêu cứu, đòi hỏi ở Nhà nước sự bảo hộ, sự bênh vực.

Ở thời điểm của điện ảnh VN hiện tại, đương nhiên cần sự bảo hộ của Nhà nước cho điện ảnh và ngay cả các nhà sản xuất phim nước ngoài cũng kêu gọi điều đó, nhưng bảo hộ để tạo sân chơi công bằng cho cả Nhà nước và tư nhân. Nhưng xin đừng nhầm tưởng sự bảo hộ là dành riêng cho bộ máy cồng kềnh của điện ảnh nhà nước, với lý do phim phục vụ mục đích chính trị để tiếp tục hằng năm có những sản phẩm cho không cũng không kéo nổi khán giả đến rạp.

Sự bảo hộ từ phía Nhà nước ở đây cần được hiểu sự bảo hộ cho điện ảnh trước các ngành khác, hay trước sự cạnh tranh của phim nước ngoài, Nhà nước bảo hộ là tạo một nền tảng hạ tầng hoàn chỉnh hơn cho điện ảnh như đào tạo, trường quay, rạp chiếu phim... Nhà nước bảo hộ thể hiện ở cơ chế làm phim, duyệt phim thoáng hơn, đầu tư cho điện ảnh, cho phim theo cách đấu thầu kịch bản nhiều hơn. Khi sân chơi và luật chơi công bằng, với sự đổi mới để hội nhập quốc tế, lúc đó phải chấp nhận "ngựa hay - đường dài", phim là để phục vụ khán giả, phim cho khán giả thì kể cả phim mang nhiệm vụ chính trị hay giải trí đơn thuần mới có cơ may được chấp nhận. Nói thế để thấy, khán giả vẫn là những giám khảo khó tính nhưng công minh nhất cho những tranh cãi bất tận kiểu như "phim hay hay phim dở", hoặc ngay như câu hỏi ngỏ "để phim VN đến được với khán giả" bằng cách nào?

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.