Ngày 18.10, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (Đức) và Tổ chức phi chính phủ Re:wild (Mỹ) tổ chức hội thảo quốc tế "Thúc đẩy công tác bảo tồn cheo cheo lưng bạc và hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam" tại Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đầu tiên ghi nhận hình ảnh loài cheo cheo lưng bạc.
Cheo cheo lưng bạc là loại động vật nằm trong danh sách 25 loài quý hiếm nghi tuyệt chủng của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (GWC). Năm 2018, Viện Sinh thái học miền Nam hợp tác với Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz cùng Tổ chức phi chính phủ Re:wild phát hiện về sự tồn tại của loài cheo cheo lưng bạc trong sinh cảnh rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Núi Chúa.
Mục tiêu chính của hội thảo là thu hút sự chú ý của các bên liên quan về giá trị đa dạng sinh học đặc trưng và các dịch vụ hệ sinh thái của sinh cảnh rừng khô hạn ven biển Việt Nam; thúc đẩy công tác bảo vệ sinh cảnh này thông qua bảo tồn loài thú móng guốc đặc hữu Việt Nam: loài cheo cheo lưng bạc.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan để bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc và hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam, như: sự cấp thiết để bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc; bảo tồn hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển; các mối đe dọa và khó khăn của công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa; hệ thống học và phân loại học các loài cheo cheo; cheo cheo lưng bạc ở Vườn quốc gia Núi Chúa: quá khứ, hiện tại và các định hướng nghiên cứu trong tương lại; đề xuất tình trạng bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc cho danh mục đỏ IUCN…
Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vấn nạn khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên trái phép còn nhiều phức tạp, nguy cơ biến đổi khí hậu đe dọa đến phát triển bền vững ở địa phương hiện hữu trong trường hợp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng khô hạn không còn được đảm bảo.
"Hội thảo góp phần phản ánh sự chung tay của UBND tỉnh Ninh Thuận nói chung và các cơ quan liên quan trong tỉnh nói riêng trong nỗ lực hiện thực hóa 'Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal', được thông qua bởi Việt Nam và 195 quốc gia khác vào tháng 12.2022", ông Huyền nhấn mạnh. Ông cũng cho biết tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi sở hữu các cánh rừng khô hạn ven biển độc đáo hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam và Đông Nam Á, bảo tồn các sinh cảnh đặc trưng và loài thú quý hiếm như cheo cheo lưng bạc.
Bình luận (0)