Hồi ức một bến phà

15/09/2022 09:00 GMT+7

Ngày 28.8.2015, những chiếc phà Mỹ Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ. Cây cầu không tưởng đã hoàn thành nối liền bờ sông Vàm Cỏ, hai bến phà hai bên bờ vắng lặng đìu hiu, trái nổi nơi neo nơi đậu của phà không một bóng người...

Chiếc phà Cầu Nổi đâu rồi

Người đi qua lại bồi hồi ngóng trông

Cây cầu Mỹ Lợi nối sông

Hành khách trở lại trong lòng buồn vui

Nhớ phà trong dạ bùi ngùi

Vui vì qua lại phà lui thay cầu

Trăm năm hiện diện từ lâu

Nay về quá khứ, phà đâu… hỡi phà…

Ngày 28.8.2015, những chiếc phà Mỹ Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ

tgcc

Hàng chục năm qua người dân vùng hạ hai huyện xứ Cần của tỉnh Long An muốn đến xứ Gò Công của tỉnh Tiền Giang phải qua bến phà Mỹ Lợi (bến phà Cầu Nổi): nằm trên quốc lộ 50, bờ bắc thuộc xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, bờ nam thuộc xã Bình Đông, Gò Công , tỉnh Tiền Giang, vận chuyển người và xe vượt sông Vàm Cỏ, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Nhìn bờ sông xa mút mắt trên một cây số, dòng nước khi đục khi trong theo con nước lớn, nước ròng những cụm lục bình, bè dừa trôi lửng lơ, hai bên bờ sông những rặng cây bần, chòm lá dừa nước tăng thêm sự vắng lặng xa xôi. Trước ngày hòa bình, thống nhất đất nước, hai chiếc phà nhỏ xưa cũ chở người, chở xe nối liền tỉnh Gò Công với Sài Gòn-Chợ Lớn tuy đường chỉ chừng năm mươi cây số mà người đi người đến thấy dài dằng dặc. Chiếc phà chỉ chở bốn xe đò, xe cam nhông, một vài xe Honda Dame, Honda 67, vài chiếc xe đạp còn phần đông là người đi bộ xuống phà sau chuyến xe lam ba bánh đầy nhóc người từ Cần Đước đến rồi những người bộ hành lại chất chồng trên xe lam đến tỉnh lỵ Gò Công.

Sau hòa bình thống nhất đất nước, người người hân hân hoan hồ hởi chào đón độc lập tự do, không còn cảnh mưa đạn, pháo bầy. Dù vậy, người dân vẫn còn đói khổ đeo mang, phà đưa qua lại chỉ còn một chiếc đưa qua, rước lại mỗi ngày chỉ sáu chuyến khứ hồi, người đi bộ, hay xe gắn máy thì có đò ngang một chuyến lại qua sớm hơn một chút. Nhiều người đi học, đi thành phố đi xe đạp cũng xong.

Thế rồi đất nước đổi mới, ba mươi năm sau hòa bình, bến phà đông đúc, buôn bán tấp nập hai bên, bến phà bên Cần Đước dời lên phía trên vì bến cũ (chỗ cái miễu) phà lớn 100, 200 không ghé vào được… Trên dòng sông luôn có ba bốn chiếc phà lớn qua lại vẫn ứ đọng người chờ nhất ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần, ngày tết xe kẹt chờ phà dài hàng cây số. Nhiều người đi về huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang thường qua phà bà Nhờ, phà Đồng Sơn để được nhanh hơn.

Là một trong những thanh niên của hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước, học ngành y làm việc Bệnh viện Dân y tỉnh Gò Công trước và sau hòa bình, tôi qua lại con phà hàng ngàn lần, chứng kiến những chuyện buồn, chuyện vui trên bến, dưới phà. Khi qua lại đầu tiên với những chú 9 Lắm, chú 2 Răng. Chú 3 Châu nay đã đi xa… thế hệ sau nữa là em, các cháu Trung, Thượng, Khanh....
Nhớ lại những kỷ niệm khó quên khi đã bốn mươi năm qua lại nơi này. Khi vừa hòa bình, cuộc sống khó khăn, thuốc men cho người bệnh rất hiếm, có bệnh rất khó mua được thuốc điều trị dù có tiền. Một hôm trễ phà mình ghé vào một quán nước ngồi chờ thấy một ông cụ đang thở hổn hển, co kéo lồng ngực ông lập cập vấn một điếu thuốc lá, rít một hơi rồi lấy cái khăn trùm đầu mặt thả khói hít vô ra, vài ba hơi ông tạm khỏe ra, mặt mày toát mồ hôi. Mình hỏi: “Cụ bị bệnh hen phế quản, đang lên cơn sao không uống thuốc mà hút cái gì vậy?”. Ông trả lời: "Tui bị bệnh suyển kinh niên, thuốc bây giờ mua không được, người ta bày tui hút lá cà độc dược phơi khô cũng hạ được cơn suyển”.
Mình biết trong lá cà độc dược có tác dụng dược lý chủ yếu là do các ancaloit: làm giãn phế quản, nhưng rất nguy hiểm vì độc tố rất cao, tác dụng phụ rất nhiều. Người bệnh thiếu thuốc khổ quá đi. Hai tuần sau có dịp đi ngang nhà ông, dù phà gần chạy mình tranh thủ ghé vào gặp ông gửi cho ông một hộp thuốc 20 viên công dụng điều trị cắt cơn hen, thuốc mua rất rẻ bên trong, ngoài chợ đen là quá mắc. Mắt ông sáng rực lên, tay run run cầm hộp thuốc (mấy mươi năm sau mình vẫn nhớ hình ảnh ấy) ông mừng quá vì đây là thuốc hiếm khó mua, ông hỏi tiền để hoàn lại, mình nói tặng ông đó rồi quay đi kịp chuyến phà. Từ đó mỗi lần về là tặng thuốc cho ông, ông không còn hút lá cà độc dược nữa… Qua lại quen ông, con cháu ông xem mình như người nhà thân thuộc, đám cưới, giỗ đều có mình, vài năm sau ông mất…

Trong một chuyến phà cuối một chiều sắp tối sang bến phà Gò Công hai mươi năm trước, trên phà vài mươi xe gắn máy, xe đạp, người đi bộ tất cả chừng năm mươi người. Khi phà chậm chậm ra giữa dòng sông bỗng nhiên người người nhốn nháo vì có một người rơi xuống sông, tất cả mọi người ra phía sau phà nhìn một người đang vẫy tay, hụp hửi… Em kéo bàn phà tên Trung (sau là lái phà, cháu nội ông hen phế quản) tháo cái đồng hồ Titoni tự động trao cho người đứng bên, mặc vội áo phao phóng ùm xuống sông tiếp cận người bị nạn, những người trên phà hồi hộp theo dõi, lái phà quay vòng mũi phà chỗ người bị nạn. Ủa sao mà người bị nạn là nữ xua đuổi người vớt mình, còn la hét “tui không cần mấy người cứu”. Thì ra chị ta lao khỏi phà tự tử mà, ai đời tự tử nhảy sông mà biết lội thì làm sao mà chìm mà đuối nước. Hai ba người thả dây xuống, em Trung vòng dây qua người chị ta, ba bốn người cùng kéo chị lên. Lên phà chị tức tưởi khóc lóc, chửi rủa vì cứu chị. Trung bực bội tức tối, rồi day qua hỏi "hồi nãy tui gửi cái đồng hồ cho anh nào giữ hộ, cho tui xin lại". Hỏi hai ba lần không có ai thừa nhận, rồi phà cập bến, người người lũ lượt lên phà đi mất, mất luôn cái đồng hồ quý của người tốt bụng. Trung và ông lái phà kè chị nhảy phà suýt chết giao cho công an xã Bình Đông xử trí, liên hệ bàn giao cho gia đình... Mình hỏi sao hồi nãy không đưa đồng hồ cho anh cất dùm? Trung bảo lúc quýnh quá sợ đồng hồ bị thấm ướt trao đại cho người ta cất dùm cứu người. Ai dè họ tham quá mất đồng hồ mua hết một tháng lương. Ôi thế thái nhân tình!

Những người đi xe môtô, ôtô băng băng qua cầu dài trên một cây số, khi đến giữa dòng sông ngắm nhìn bến phà xưa ắt hẳn trong lòng có chút bùi ngùi như tôi

TGCC

Ngày 28.8.2015, những chiếc phà Mỹ Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ. Cây cầu không tưởng đã hoàn thành nối liền bờ sông Vàm Cỏ, hai bến phà hai bên bờ vắng lặng đìu hiu, trái nổi nơi neo nơi đậu của phà không một bóng người. Những ngày tết Nguyên đán con khỉ năm đó con cháu về quê, người xa xứ làm ăn về đoàn tụ gia đình không còn "qua sông phải lụy phà", những người đi xe môtô, ôtô băng băng qua cầu dài trên một cây số, khi đến giữa dòng sông ngắm nhìn bến phà xưa ắt hẳn trong lòng có chút bùi ngùi như tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.