Hôm nay phải khác hôm qua

08/06/2015 05:02 GMT+7

Hôm nay, QH sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận xung quanh báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Nếu tính cả phiên thảo luận tại UBTVQH hồi đầu tháng 5.2015, thì đây là lần thứ 3 QH thảo luận về nội dung này.

Hôm nay, QH sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận xung quanh báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Nếu tính cả phiên thảo luận tại UBTVQH hồi đầu tháng 5.2015, thì đây là lần thứ 3 QH thảo luận về nội dung này.

Nói các phát biểu là “nhàm” thì có vẻ bất công với nhiều phát biểu tâm huyết, có chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, từ phiên họp đầu tiên đến phiên họp cuối cùng, các tồn tại trong xã hội, đặc biệt là kinh tế được nêu lên rất giống nhau (cũng giống vấn đề của năm ngoái và các năm trước nữa), nhưng hầu như không có giải pháp nào được đề xuất, chưa nói đến chuyện tiếp thu.

Theo báo cáo của Chính phủ, không chỉ thoát khỏi vùng suy thoái, tăng trưởng kinh tế đạt con số khả quan, năm 2014,  GDP 5,985%; năm 2015, GDP có thể đạt từ 6,2 -6,5%. Nhưng các vấn đề đáng lo ngại được ĐBQH chỉ ra như: quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, nợ công tăng cao nhất trong lịch sử, nợ xấu, năng suất lao động quá thấp... Và đáng tiếc, đây cũng là những vấn đề được đặt ra từ nhiều kỳ họp trước.

Theo dõi các phiên thảo luận tại QH, một tiến sĩ kinh tế, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp tư nhân đã phàn nàn với PV Báo Thanh Niên rằng: Có rất nhiều báo cáo về nợ xấu và mỗi báo cáo lại đề cập một con số khác nhau. Tại sao không có ĐBQH nào yêu cầu cung cấp một báo cáo thật chuẩn xác về tỷ lệ nợ xấu hiện là bao nhiêu? Ông này đặt dấu hỏi lớn rằng nợ xấu đã giảm từ 17,21% (năm 2012), xuống 3,25% (năm 2014) “bằng cách nào?”, trong khi tăng trưởng vẫn rất thấp, các doanh nghiệp cứ “2 anh thì 1 anh ngừng hoạt động, làm không ra một đồng”. Thiết nghĩ, đây là một tiếng nói cử tri mà QH không thể bỏ qua.

Các ĐBQH phải yêu cầu được báo cáo đầy đủ, chính xác về các nguy cơ đe dọa kinh tế vĩ mô. Ngay cả con số tăng trưởng cao nhưng cần phải làm rõ, không phải là không tin, mà là thận trọng. Thận trọng với các con số, chính là có trách nhiệm với sự phát triển đất nước và có trách nhiệm với cử tri.

Trong phiên thảo luận tổ  hôm 25.5, ĐBQH Võ Thị Dung (TP.HCM) đã rất thẳng thắn khi nói rằng: Báo cáo kinh tế - xã hội kỳ họp lần này đem so với các kỳ trước thì chỉ khác nhau về con số, còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế thì vẫn vậy. Bà Dung dẫn chứng, câu chuyện tam nông được nói bây giờ với 15 năm trước là giống hệt nhau.

Các ĐBQH nói chung và ĐB Võ Thị Dung nói riêng không chỉ nên dừng lại ở việc phát biểu phát hiện vấn đề mà bằng quyền năng của mình, phải yêu cầu các cơ quan khắc phục cho bằng được, từng việc một, dù là rất nhỏ. Hãy đừng bao giờ bằng lòng và thỏa hiệp, rằng “dù QH có ra nghị quyết cũng chẳng giải quyết vấn đề gì”. Cử tri mong muốn “ngày hôm nay” phải khác "ngày hôm qua".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.