Port-au-Prince nhuốm màu tang tóc
Theo hãng tin AFP, nhiều thi thể nạn nhân nằm vương vãi khắp đường phố ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti trong khi hàng ngàn người khác hiện vẫn còn bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà, trường học, khách sạn và bệnh viện bị đổ sập.
Phóng viên hãng tin AFP kể lại rằng nhiều nạn nhân nằm dưới các đống đổ nát đã kêu cứu trong tuyệt vọng và thủ đô Port-au-Prince “gần như bị động đất tàn phá hoàn toàn”.
|
Thi thể nằm rải rác khắp đường phố ở Port-au-Prince - Ảnh: AFP
|
Trong cảnh hoang tàn đó, một số người bị thương nằm vất vưỡng trên chiếc xe tải trong khi những người may mắn thoát chết trong bộ dạng thiểu não đi lang thang khắp đường phố đã tan hoang sau động đất.
Đây đó, người ta có thể thấy những người cứu hộ dùng tay không cào bới dưới đổng đố nát của bệnh viện, tòa nhà.. trong tuyệt vọng.
Haiti có tên chính thức là Cộng hòa Haiti, một quốc gia ở vùng biển Caribe, nói tiếng Creole và tiếng Pháp. Quốc gia này nằm ở đảo Hispaniola trong vùng biển Caribe.
Haiti có tổng diện tích là 27.751 km2 và thủ đô là Port-au-Prince, nơi vừa hứng chịu trận động đất mạnh 7 độ Richter hôm 12.1.
Đây là quốc gia độc lập đầu tiên ở Mỹ La-tinh, là quốc gia duy nhất mà nền độc lập đạt được một phần là nhờ cuộc nổi loạn của nô lệ. Mặc dù có mối liên hệ văn hóa với các nước láng giềng Hispano-Caribe, Haiti là quốc gia độc lập duy nhất ở châu Mỹ sử dụng tiếng Pháp và là một trong hai quốc gia (cùng với Canada) ở châu lục này xem tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức.
Dân số của Haiti vào khoảng gần 10 triệu người (theo số liệu của LHQ, năm 2009).
Haiti là quốc gia nghèo nhất châu Mỹ và cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với gần 70% dân số sống dưới mức 2 USD/ngày.
Quốc gia ở vùng Caribe này cũng là nơi hứng chịu hơn 30 vụ đảo chính và hàng trăm thảm họa thiên tai từ khi giành độc lập từ nước Pháp vào ngày 1.1.1804 nên đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Người dân Haiti sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài. Để đổi đời, nhiều người dân Haiti đã chạy sang Mỹ hoặc các quốc gia khác ở vùng Caribe, trong đó có Cộng hòa Dominica, nơi hiện là quê hương thứ hai của hàng trăm ngàn người Haiti. (Theo wikipedia.org)
|
Hiện rất khó tính được con số thiệt mạng chính xác là bao nhiêu nhưng Thủ tướng Jean-Max Bellerive của Haiti phát biểu trên đài CNN rằng con số cuối cùng có thể lên hơn 100.000 người. Trước đó, cũng phát biểu trên đài CNN, Tổng thống Rene Preval cho hay 50.000 người có thể đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị mất tích.
Có thể hình dung cảnh tang thương do động đất ở Haiti qua lời kể của Tổng thống Preval. Ông buồn bã nói: “Tòa nhà Quốc hội đã bị đổ sập. Văn phòng thuế sập. Trường học sập. Bệnh viện cũng bị sập...”.
Theo hãng tin Reuters, hơn 30 cơn dư chấn xảy ra sau trận động đất đã tiếp tục làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince với dân số 2 triệu người, trong đó hầu hết sống trong cảnh cực kỳ nghèo khó.
Hiện mọi người lo ngại tình trạng phạm tội sẽ gia tăng tại thủ đô Port-au-Prince khi LHQ cho biết một nhà tù chính ở đây đã bị đổ sập, nhiều tù nhân nhân cơ hội đó đã trốn chạy.
Theo Tổng thống Preval, Hedi Annabi - người đứng đầu cơ quan LHQ tại Haiti - đã thiệt mạng sau khi trụ sở LHQ tại đây bị san bằng.
Giới chức LHQ không thể xác nhận thông tin trên nhưng thừa nhận ít nhất 14 nhân viên LHQ đã thiệt mạng, 56 người bị thương và thêm 150 người khác đã bị mất tích.
Thế giới khẩn trương cứu trợ
Ngay sau khi thảm họa xảy ra tại Haiti, hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ quốc gia ở vùng Caribe này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã so sánh trận động đất tại Haiti như thảm họa sóng thần tại châu Á, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người cách đây 5 năm. Bà đã rút ngắn chuyến công du châu Á để trở về Washington giúp triển khai công tác cứu hộ.
Đội tìm kiếm và cứu hộ đầu tiên của Mỹ đã đến sân bay Port-au-Prince trong khi tàu, máy bay và tàu sân bay USS Carl Vinson của quân đội Mỹ đã lên đường và dự kiến đến Haiti trong ngày 14.1 (giờ địa phương).
Giới chức Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo ở Cuba có thể được sử dụng làm nơi ở tạm thời cho những người đi lánh nạn.
Anh, Canada, Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hà Lan cũng đã nhanh chóng điều máy bay chở các nhóm cứu hộ cũng như nhu yếu phẩm đến Haiti.
Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố đã lên kế hoạch tháo khoán khẩn cấp 100 triệu USD để giúp Haiti khắc phục hậu quả động đất.
Một số hình ảnh tại Haiti sau trận động đất (ảnh: AFP)
Haiti - Lịch sử của những khổ đau
• 12.1.2010: Một trận động đất mạnh 7 độ Richter tại thủ đô Port-au-Prince được cho là đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người.
• Tháng 8 và tháng 9.2008: Tệ nạn phá rừng ở Haiti đã dẫn đến 4 cơn bão lớn tàn phá thị trấn Gonaives trong nhiều tuần liền khiến gần 1.000 người thiệt mạng, 1 triệu người lâm vào cảnh mất nhà cửa.
• Tháng 10.2007: Bão nhiệt đới Noel gây đất chuồi và lũ lụt, làm ít nhất 57 người chết.
• Tháng 9.2004: Bão nhiệt đới Jeanne gây lũ lụt và đất chuồi cướp đi sinh mạng của 1.900 người và khiến 200.000 người khác sống trong cảnh màn trời chiếu đất ở Gonaives, thành phố lớn thứ ba của Haiti.
• Tháng 5.2004: Ba ngày mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt khiến hơn 2.600 người thiệt mạng.
• Năm 1998: Bão Georges làm chết 400 người và phá hủy 80% mùa màng ở Haiti.
• Năm 1994: Hàng trăm người chết khi bão Gordon càn quét ở Haiti.
• Năm 1963: Bão Flora cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người ở Haiti và Cuba.
• Năm 1954: Bão Hazel làm hàng trăm người chết.
• Năm 1946: Một trận động đất mạnh 8,1 độ Richter tại CH Dominica và Haiti gây sóng thần làm 1.790 người chết.
• Năm 1935: Một cơn bão đã tràn vào Haiti làm hơn 2.000 người chết.
|
Những trận động đất kinh hoàng trên thế giới
Trong khoảng 100 năm qua, các trận động đất đã cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người và những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật gần đây cũng không giúp giảm bớt số người đã bỏ mạng vì những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Sau đây là một số thảm họa động đất trên khắp thế giới trong thời gian qua:
12.1.2010: Hơn 100.000 người được cho là đã chết trong trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti.
6.4.2009: Hàng chục người chết trong trận động đất tại thành phố L’Aquilla, miền trung nước Ý.
29.10.2008: Hơn 300 người thiệt mạng tại tỉnh Balochistan ở Pakistan do trận động đất mạnh 6,4 độ Richter.
12.5.2008: Khoảng 87.000 người thiệt mạng hoặc mất tích và 370.000 người khác bị thương do trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc.
15.8.2007: Ít nhất 519 người bỏ mạng tại tỉnh Ica ở Peru do trận động đất mạnh 7,9 độ Richter.
17.7.2006: Một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã gây sóng thần ở đảo Java, miền nam Indonesia, cướp đi sinh mạng của hơn 650 người.
27.5.2006: Hơn 5.700 người chết khi trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra tại đảo Java (Indonesia).
1.4.2006: Một trận động đất mạnh 6 độ Richter ở một vùng thuộc miền tây Iran, đã làm 70 người chết và khoảng 1.200 người khác bị thương.
8.10.2005: Một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter ở miền bắc Pakistan và vùng Kashmir cướp đi sinh mạng của hơn 73.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa.
28.3.2005: Khoảng 1.300 người chết do động đất mạnh 8,7 độ Richter ở đảo Nias thuộc Indonesia.
22.2.2005: Hàng trăm người chết do động đất mạnh 6,4 độ Richter ở một vùng gần tỉnh Kerman của Iran.
26.12.2004: Hơn 220.000 người thiệt mạng khắp châu Á khi một trận động đất mạnh 9,2 độ Richter gây sóng thần ở vùng này.
24.2.2004: Ít nhất 500 người chết do động đất tại một loạt thị trấn ở Ma-rốc.
26.12.2003: Algeria đã hứng chịu một trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 2 thập niên khi hơn 2.000 người chết và hơn 8.000 người bị thương.
1.5.2003: Hơn 160 người chết, trong đó có 83 trẻ em trong một khu cư xá bị đổ sập do động đất ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
24.2.2003: Hơn 260 người chết và khoảng 10.000 ngôi nhà bị đổ sập tại vùng Tân Cương, Trung Quốc.
26.1.2001: Một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ở bang Gujarat, tây bắc Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người và khiến hơn 1 triệu người mất nhà cửa.
21.9.1999: Đài Loan hứng chịu một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter làm gần 2.500 người chết.
17.8.1999: Một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter tàn phá hai thành phố Izmit và Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 17.000 người chết.
30.5.1998: Miền bắc Afghanistan rung chuyển vì một trận động đất lớn, 4.000 người đã nằm sâu trong lòng đất.
Tháng 5.1997: Hơn 1.600 người chết tại Birjand, miền đông Iran vì động đất mạnh 7,1 độ Richter.
27.5.1995: Đảo Sakhalin thuộc Nga đã hứng chịu trận động đất mạnh 7,5 độ Richter, làm 1.989 người thiệt mạng.
17.1.1995: Một trận động đất làm rung chuyển thành phố Kobe của Nhật Bản, khiến 6.430 người chết.
30.9.1993: Khoảng 10.000 người thiệt mạng ở miền tây và nam Ấn Độ.
7.12.1988: Một trận động đất mạnh 6,9 độ Richter đã tàn phá miền tây bắc Armenia, làm 25.000 người chết.
19.9.1985: Thủ đô Mexico City của Mexico bị rung chuyển vì một trận động đất khiến 10.000 người thiệt mạng.
23.12.1972: Hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại thủ đô Managua ở Nicaragua do trận động đất 6,5 độ Richter.
26.7.1963: Một trận động đất mạnh 6,9 độ Richter làm rung chuyển thủ đô Skopje ở Macedonia làm 1.000 người chết và 100.000 người khác mất nhà cửa.
1.9.1923: Một trận động đất với tâm chấn ở ngoài thủ đô Tokyo (Nhật Bản) làm 142.800 người chết.
18.4.1906: Thành phố San Francisco (Mỹ) đã hứng chịu một loạt dư chấn mạnh kéo dài tới 1 phút. Khoảng 700 - 3.000 người đã thiệt mạng do các tòa nhà bị đổ sập hoặc do các vụ cháy nhà ngay sau đó.
(Theo BBC, Telegraph, Reuters)
|
Huỳnh Thiềm
Bình luận (0)