Hơn 14.000 tỉ đồng đầu tư vào các dự án điện mặt trời

Giang Phương
Giang Phương
13/06/2018 10:50 GMT+7

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất nước với diện tích 27.000 ha. Trong đó. nguồn tài nguyên nước quý giá dồi dào với trữ lượng 1,5 tỉ m 3 nước.

Tính đến nay, khu vực vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 6 dự án đầu tư điện mặt trời với tổng công suất 610 MW, trong đó có 5 dự án đã được tỉnh này cấp chủ trương đầu tư và đang khẩn trương triển khai.
Tiềm năng
Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất nước với diện tích 27.000 ha. Trong đó. nguồn tài nguyên nước quý giá dồi dào với trữ lượng 1,5 tỉ m3 nước. Hiện công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (thuộc Bộ NN-PTNT) quản lý, vận hành với công năng chính là cung cấp nước tưới tiêu trực tiếp cho trên 170.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước sản xuất công nghiệp, sinh hoạt của 3 tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và Long An.
Trong đó, khu vực đất bán ngập hồ Dầu Tiếng (tính từ cao trình 24,4 m trở xuống cao trình 22 mét) có tổng diện tích trên 800 ha. Trong những năm gần đây, hồ Dầu Tiếng không chỉ có vai trò cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh mà còn được UBND tỉnh định hướng quy hoạch phát triển đa chức năng nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của hồ và vùng lòng như phát triển du lịch sinh thái, tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, việc khai thác tối ưu diện tích trong vùng đất bán ngập là tiềm năng rất lớn để phát triển ngành sản xuất năng lượng mặt trời. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, với những lợi thế này, hồ Dầu Tiếng được tạo cảnh quan nhằm thu hút khách du lịch; đồng thời bổ sung lớn nguồn điện năng bằng điện năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, tính đến nay, khu vực vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là điện VII điều chỉnh) với 6 dự án đầu tư điện mặt trời với tổng công suất 610 MW. Trong đó có 5 dự án tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, đang khẩn trương triển khai để kịp hoàn thành và vận hành trước tháng 6.2019. Đó là các dự án: Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2, Dầu Tiếng 3, Dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1.
Cụ thể, dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, công suất 150 MWp được triển khai trên diện tích 216 ha thuộc H.Dương Minh Châu. Tổng vốn đầu tư nhà máy 3.996 tỉ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2, công suất 200 MWp, trên diện tích 288 ha với tổng vốn đầu tư 4.997 tỉ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3, công suất 150 MWp triển khai trên diện tích 216 ha ở 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, tổng vốn đầu tư 3.662 tỉ đồng. Cả 3 dự án kể trên thuộc Công ty cổ phần năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh (làm chủ đầu tư).
Riêng dự án Nhà máy điện mặt trời Trí Việt 1 thuộc Công ty cổ phần Trí Việt Tây Ninh có công suất 30 MWp trên diện tích 60 ha. Dự án Nhà máy điện mặt trời Bách khoa Á Châu 1 thuộc Công ty cổ phần Bách khoa Á Châu Tây Ninh công suất 30 MWp, diện tích đất sử dụng 60 ha. Cả hai đều triển khai tại khu vực ấp 5, xã Suối Dây, H.Tân Châu với tổng vốn đầu tư cùng mức 760 tỉ đồng.
Ngoài khu vực bán ngập hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời TTC số 1 trên diện tích 78,5 ha của Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng xanh TTC tại xã An Hòa, H.Trảng Bàng với công suất 48 MWp. Tổng vốn dự án đầu tư là 1.200 tỉ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh này cùng các ngành, UBND các huyện có liên quan, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục và bàn giao mặt bằng đất bán ngập để triển khai dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.