Hơn 3.400 tỉ xây đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành

Mai Hà
Mai Hà
02/10/2024 16:08 GMT+7

Dự kiến chi phí xây dựng sớm đường cất hạ cánh thứ 2 tại sân bay Long Thành ước khoảng 3.455 tỉ đồng.

Theo tờ trình gửi Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị bộ xem xét, tiếp tục đại diện Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Long Thành.

Sân bay Long Thành đang tăng tốc xây dựng, dự kiến khai thác năm 2026 Ảnh: Lê Lâm

Sân bay Long Thành đang tăng tốc xây dựng, dự kiến khai thác năm 2026

ẢNH: LÊ LÂM

Hạng mục bổ sung này bao gồm việc xây dựng đường cất hạ cánh dài 4.000 m theo hướng 05L/23R; xây dựng đường lăn song song, hệ thống đường nối; hệ thống đèn tín hiệu, biển báo đường cất hạ cánh, đường lăn; hệ thống trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác đồng bộ, đảm bảo khai thác.

Hạng mục sẽ hoàn thành đồng bộ cùng dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 (năm 2026).

Dự kiến, khu vực xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai nằm hoàn toàn trong phạm vi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I là 1.810 ha đã được giải phóng mặt bằng, ACV đã nhận bàn giao triển khai dự án và diện tích này đã hoàn thành công tác thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1.

Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình hạ tầng đồng bộ khác sẽ được sử dụng vốn của ACV không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Trước đó, tại Nghị quyết số 95/2019/QH14, Quốc hội đã thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Nghị quyết quy định đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Vì vậy, việc điều chỉnh hai nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý để ACV có thể triển khai xây dựng sớm đường cất hạ cánh thứ hai để có thể hoàn thành đồng bộ với các hạng mục khác của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo ACV, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các cảng hàng không quốc tế đóng vai trò cửa ngõ, có công suất thiết kế khoảng 25 triệu lượt hành khách/năm như Long Thành giai đoạn 1 đều có 2 đường cất hạ cánh song song kết nối với nhau.

Các sân bay có 2 đường cất hạ cánh trong nước là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Tại các nước châu Á là sân bay Kansai, Osaka (sản lượng 18 triệu lượt hành khách/năm, gồm 2 đường cất hạ cánh), sân bay Thượng Hải (sản lượng 28 triệu lượt hành khách/năm, gồm 3 đường cất hạ cánh: một cặp đường cất hạ cánh song song gần và một đường cất hạ cánh song song xa).

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (điều chỉnh), đơn vị tư vấn cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án giao ACV là chủ đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai và đưa đường cất hạ cánh thứ hai song song, kết nối trực tiếp với đường cất hạ cánh thứ nhất vào dự án thành phần 3.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư hạng mục đường cất hạ cánh thứ 2 ước khoảng 3.455,6 tỉ đồng, sẽ được cân đối trong tổng thể Dự án thành phần 3. Trong đó, chi phí xây dựng là 2.244,9 tỉ đồng, chi phí thiết bị 368 tỉ đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.