Mặc dù vậy, hiện có khoảng 3,45 tỉ người, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vẫn chưa được tiếp cận internet băng thông rộng di động ngay cả khi 90% trong số họ sống trong vùng phủ sóng mạng.
Báo cáo chỉ ra mặc dù số lượng người sử dụng internet di động ngày càng tăng nhưng vẫn tồn tại những khoảng cách kỹ thuật số đáng kể. Đặc biệt, những người bị loại khỏi thế giới kỹ thuật số chủ yếu là cư dân nông thôn, phụ nữ, người nghèo và những người có trình độ học vấn thấp.
GSMA nhấn mạnh cần có những nỗ lực đổi mới để thu hẹp khoảng cách này, bởi những người không có khả năng tiếp cận internet có nguy cơ bị bỏ lại trong một thế giới mà internet ngày càng trở thành công cụ cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thương mại điện tử và tài chính.
Sự phân biệt giữa các khu vực phủ sóng internet di động
Trong năm 2023, số người kết nối với internet di động tăng thêm 160 triệu, điều này cho thấy mức tăng trưởng chậm hơn so với giai đoạn 2015 - 2021, khi có hơn 200 triệu người được kết nối hằng năm. Đáng chú ý, 95% những người không có quyền truy cập internet di động sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và phần lớn mức tăng trưởng trong năm nay đến từ các quốc gia này. Chỉ khoảng 4% dân số thế giới sống ở những khu vực không có băng thông rộng di động, điều đó cho thấy vấn đề không phải là thiếu vùng phủ sóng. Tuy nhiên, khoảng 350 triệu người sống ở vùng sâu vùng xa và dân cư thưa thớt vẫn chưa được phủ sóng.
Châu Phi cận Sahara hiện là khu vực có mức độ kết nối thấp nhất, với khoảng 13% dân số (160 triệu người) không được phủ sóng mạng. Trong khi đó, 60% (710 triệu) người sống trong vùng phủ sóng nhưng không sử dụng internet di động. Ngược lại, ở Bắc Mỹ và châu Âu, chỉ 1% dân số không được phủ sóng, trong khi tỷ lệ người không sử dụng internet di động lần lượt là 19% và 24%.
GSMA cho biết, hầu hết sự gia tăng vùng phủ sóng băng thông rộng di động ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chủ yếu đến từ việc nâng cấp lên các trạm di động 2G. Tuy nhiên, hơn một nửa số người không được phủ sóng sống ở những khu vực không có cơ sở hạ tầng di động hiện có, khiến việc kết nối trở nên tốn kém. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp quyền truy cập vào băng rộng di động vào năm 2030 sẽ cần khoảng 430 tỉ USD đầu tư.
GSMA kỳ vọng công nghệ 5G sẽ trở thành băng thông rộng di động phát triển nhanh nhất vào cuối thập kỷ này, nhưng việc áp dụng công nghệ này sẽ gặp khó khăn ở nhiều quốc gia do yêu cầu tài chính cao. Do đó, GSMA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng quốc tế nỗ lực mở rộng tính khả dụng của công nghệ 4G để đạt được các mục tiêu kết nối có ý nghĩa. Hiệp hội cũng kêu gọi các chính phủ, nhà mạng và các tổ chức quốc tế hợp tác để xóa bỏ mọi rào cản đối với việc áp dụng và sử dụng internet di động, bao gồm khả năng chi trả cho điện thoại và dữ liệu, cũng như mở rộng quyền truy cập vào mạng băng thông rộng di động.
Bình luận (0)