Hoạt động tình nguyện quốc tế này do Ủy ban Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc UCC thực hiện tại Hà Nội. Ông Choi Jang Bok, Trưởng đoàn tình nguyện UCC cho biết, những người tham gia chương trình kết nối được lựa chọn theo tiêu chí ít có điều kiện thường xuyên liên lạc và về thăm gia đình tại Việt Nam.
UCC kết hợp với Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc lựa chọn những gia đình này dựa trên đơn gửi về của các cô dâu VN tại 17 tỉnh thành lớn ở Hàn Quốc theo tiêu chí trên.
9 năm mẹ mới gặp con
Được gặp em gái, chị Mai Thị Thúy cứ cười mãi không thôi khi ngồi trước màn hình lớn. Trên đó, là hình ảnh gia đình cô em gái của chị. Chị Mai Thị Dung đã sang Hàn Quốc lấy chồng từ 10 năm nay. Phải vài năm họ mới có cơ hội gặp mặt một lần khi chị Dung thu xếp về nước.
“Cả gia đình tôi lên đây (Hà Nội-NV) đủ hết. Tôi, chồng tôi, anh trai, em gái, em rể, các cháu…”, chị Thúy chia sẻ. Họ đã có cuộc nói chuyện rất vui qua màn hình. Nào là việc các thành viên trong gia đình bấy lâu nay sống thế nào, sắp được lên chức quản đốc ra sao.
Ở đầu cầu Hàn Quốc, chị Dung vừa nói chuyện, vừa phiên dịch cho người chồng của mình, anh Kim Young Wook.
Không chỉ một mình gia đình chị Thúy được đoàn viên qua màn hình như vậy. Sáng 19.7, có tới 364 thành viên của 43 gia đình cô dâu Việt tại Hàn Quốc đã được kết nối để đoàn tụ với người thân.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Mai đã 9 năm xa cách gia đình. Bà Dương Thị Minh, mẹ của chị cho biết, con gái mình bị dị ứng da cơ địa và phải sang Hàn Quốc chữa trị. Sau đó, chị có gia đình. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm, bà được trông thấy con gái mình. Bà rơi nước mắt khi thấy con khỏe, bệnh đỡ rất nhiều.
Cả 2 nhà đều vui
Đã 5 năm nay, Ủy ban Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc UCC, Công đoàn tập đoàn viễn thông KT, tổ chức những cuộc gặp cho các gia đình như vậy tại Hà Nội. Họ được đi chơi, được các bác sĩ bệnh viện Đại học Bundang Seoul khám chữa bệnh. Không chỉ gặp mặt qua màn hình, các gia đình Việt tới chuỗi sự kiện đoàn tụ diễn ra tới 24.7 này, còn được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Họ được học cách mặc quần áo dân tộc, uống trà, ăn bánh truyền thống Hàn Quốc.
Cuộc giao lưu này càng trở nên có ý nghĩa khi các chàng rể Hàn Quốc ít biết nói tiếng Việt, còn bố mẹ vợ lại chẳng thể nói tiếng Hàn. “Nói chuyện toàn phải qua con gái mình phiên dịch hộ”, một ông bố Việt cho biết. Vì thế, việc gặp gỡ văn hóa Hàn Quốc qua các chương trình giao lưu như thế này, đã khiến ông thấy gần gũi hơn với gia đình thông gia.
Ông Nguyễn Văn Tình, bố một cô dâu Việt cho biết con gái ông cũng phải 3 - 4 năm mới về một lần. Vì thế nên việc gặp mặt thế này khiến ông vui và gia đình thông gia cũng vui. Thậm chí gia đình còn có ý muốn cho cháu sang Hàn Quốc học.
Về phía nhà tổ chức, ông Choi Jang Bok cho biết, đoàn tình nguyện của ông hoạt động vì muốn cộng đồng quan tâm để các cô dâu VN yên ổn định cư, sinh sống tại Hàn Quốc. Dự kiến, ở những lần kết nối gia đình sau, phía UCC sẽ lưu tâm hơn tới các gia đình miền Nam và miền Tây.
Bình luận (0)