Kết quả công bố ngày 27.5 cho thấy mặc dù còn nhiều hạn chế, AI vẫn nhận được sự ủng hộ của 51% người dân châu Âu tham gia phỏng vấn.
Trước kết quả này, Oscar Jonsson - chỉ đạo học thuật tại Trung tâm Quản trị Thay đổi của Đại học IE nói với CNBC rằng "niềm tin vào hình thức cai trị dân chủ đang suy giảm trong nhiều thập kỷ qua".
Lý do có thể đến từ bối cảnh phân cực chính trị, bong bóng lọc quan điểm (filter bubble - thuật ngữ ám chỉ tình trạng con người bị cô lập về mặt trí tuệ khi chỉ tiếp xúc với những dữ liệu được "cá nhân hóa") và chia rẽ thông tin ngày càng gia tăng. Ông chia sẻ: "Mọi người nhận thấy chính trị ngày càng tệ hơn và đổ lỗi cho chính trị gia, vì vậy tôi nghĩ rằng báo cáo đã nắm bắt được tâm lý chung của thời đại".
Ý tưởng thay thế chính trị gia bằng AI được ủng hộ đặc biệt nhiều ở Tây Ban Nha, có tới 66% người đồng tình. Kế đó là người Ý (59%) và người Estonia (56%).
Không phải người dân nước nào cũng muốn trao quyền kiểm soát cho máy móc. 69% người Anh phản đối ý tưởng này, theo sau là người Hà Lan (56%) và Đức (54%).
Bên ngoài châu Âu, khoảng 75% người được khảo sát ở Trung Quốc ủng hộ ý tưởng thay nghị sĩ bằng AI. 60% người Mỹ lại phản đối.
Các ý kiến cũng khác nhau đáng kể qua từng thế hệ. Người trẻ tuổi cởi mở hơn với ý tưởng về AI. Hơn 60% người châu Âu trong độ tuổi 25 - 34, 56% người ở độ tuổi 34 - 44 ủng hộ AI lên nắm quyền, trong khi phần lớn những người được hỏi trên 55 tuổi không xem đây là ý hay.
Bình luận (0)