Hơn 9.100 cuộc gọi tới đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân buôn bán người

Thu Hằng
Thu Hằng
14/02/2022 18:43 GMT+7

Chỉ trong 3 năm qua, đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân của buôn bán người đã tiếp nhận 9.145 cuộc gọi. Trong đó, có 165 nạn nhân đã được giải cứu.

Đây là con số được Bộ LĐ-TB-XH công bố tại Hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do bộ này phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 14.2 tại Hà Nội.

Các nạn nhân bị mua bán đươc Công an Trung Quốc bàn giao cho Bộ đội biên phòng Lào Cai

Tường Long

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng.

Chính phủ xác định mua bán người là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết khẩn cấp. Việc vận hành đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp phù hợp, hữu ích để có thể tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.

Sau 7 năm triển khai, dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do JICA tài trợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người.

Nhờ việc chia sẻ số điện thoại 111 - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây nóng cũng góp phần phòng, chống mua bán người thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan tới mua bán người, tư vấn cho các nạn nhân bị mua bán trở về và chuyển tuyến tới các cơ quan liên quan để tìm kiếm, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, từ tháng 11.2018 tới tháng 2.2022, đường dây nóng đã tiếp nhận 9.154 cuộc gọi, trong đó có 1.069 cuộc gọi về tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu.

Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực đồng bằng sông Hồng (chiếm tỷ lệ 29,3%), tiếp đó là các tỉnh vùng Đông Bắc (16,0%), vùng Tây Bắc (13,1%), các tỉnh Đông Nam bộ (11,6%), các tỉnh Bắc Trung bộ (10,4%), đồng bằng sông Cửu Long (8,0%), khu vực Nam Trung bộ (6,0%), các tỉnh Tây nguyên (5,5%) và cuộc gọi từ nước ngoài (0,1%).

Bên cạnh đó, dự án cũng là đầu mối triển khai dịch vụ chuyển tuyến dựa trên sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan gồm: Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng), T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Sau khi kết thúc sự hỗ trợ của JICA, Cục Trẻ em sẽ tiếp tục vận hành và phát triển đường dây nóng này để cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, góp phần vào công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người một cách hiệu quả.

“Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người và mạng lưới hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân và các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.