Hòn đảo biệt giam tội phạm ấu dâm ở Mỹ

29/04/2019 08:00 GMT+7

Những tội phạm tình dục nguy hiểm, nhất là ấu dâm, ở bang Washington của Mỹ bị chuyển tới hòn đảo biệt lập sau khi thụ án

Nhìn từ xa, đảo McNeil ngoài khơi thành phố Tacoma trông giống như mọi hòn đảo nghỉ dưỡng khác dành cho những người có tiền ở bang Washington. Tuy nhiên, hòn đảo rộng 10 km2 lại khét tiếng với biệt danh “đảo ấu dâm” và là nơi đặt Trung tâm cải tạo đặc biệt (SCC) nhằm quản chế vô thời hạn 236 tội phạm tình dục nguy hiểm đã thụ án do nguy cơ tái phạm nếu trở lại cộng đồng, theo tờ Daily Mail.
Sau khi tội phạm tình dục thụ án xong, một ủy ban đặc biệt gồm đại diện tòa án, cảnh sát và các chuyên gia sẽ đánh giá liệu đối tượng có khả năng tái phạm hay không. Nếu bị xác định vẫn là mối đe dọa đối với cộng đồng, họ sẽ phải đến đảo McNeil để chịu quản chế vô thời hạn. Chính quyền bang cho hay những đối tượng sống tại SCC là những kẻ cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục trẻ em “nguy hiểm nhất”.
Hòn đảo biệt giam  tội phạm ấu dâm ở Mỹ
Một xà lim bên trong SCC Ảnh: Chụp màn hình Daily Mail
Theo tờ The Guardian, người bên ngoài chỉ có thể tiếp cận hòn đảo bằng máy bay hoặc phà và mỗi tháng đều có những chuyến phà chở nhu yếu phẩm đến cho SCC, được thành lập vào năm 1991. Những “cư dân” trên đảo sống trong điều kiện bị theo dõi suốt ngày đêm, ngủ trong xà lim, không được tiếp cận internet và hạn chế giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, họ có thể đăng ký tham gia các khóa điều trị tự nguyện để làm cơ sở nộp đơn xin trở về. Quá trình điều trị dựa trên liệu pháp hành vi nhận thức, nhằm kiểm tra những suy nghĩ lệch lạc và điều chỉnh cảm xúc để thay đổi hành vi của đối tượng. Những người phạm tội được khích lệ tiết lộ tình trạng lệch lạc tình dục để các chuyên gia hiểu được phạm vi vấn đề của họ và xác định những yếu tố có thể dẫn đến tái phạm.
“Chương trình điều trị tập trung vào những điều chúng tôi có thể thay đổi. Mỗi người mỗi khác. Họ có thể có những rào cản nội tâm cá nhân khiến họ khó tiến triển như tính cách, tình trạng sức khỏe, căng thẳng…”, trưởng nhóm điều trị Elena Lopez cho The Guardian hay. Bà dẫn chứng trường hợp của một người đàn ông tên Justin đã chứng tỏ “khỏi bệnh” và thuyết phục tòa án trả tự do hồi cuối năm ngoái. Trước đó, người này đã ở trên đảo 10 năm.
Năm 13 tuổi, Justin bị kết tội hiếp dâm cấp độ 1 vì tấn công tình dục em gái trong hơn 1 năm. Theo Giám đốc SCC Bill Van Hook hiện có khoảng 62% “cư dân” trên đảo McNeil tham gia điều trị. Mặc dù dữ liệu còn hạn chế song nghiên cứu cho thấy các biện pháp điều trị có triển vọng trong việc giảm tái phạm.
Do trên giấy tờ, những kẻ bị giam tại SCC không còn là tội phạm nên họ cũng được hưởng trợ cấp khoảng 3 USD/giờ. Năm 2010, Gordon Michael Strauss đã đâm đơn kiện phản đối mức trợ cấp quá thấp vì cho rằng SCC là chương trình điều trị dân sự chứ không phải nhà tù, nên “cư dân cần được hưởng mức sống tối thiểu”. Tuy nhiên, kẻ hiếp dâm hàng loạt này, bị đưa ra đảo McNeil năm 1998, sau đó đã hủy đơn kiện mà không rõ lý do.
[VIDEO] Tín đồ Công giáo Mỹ tổn thương sau khi có báo cáo về nhiều linh mục lạm dụng tình dục
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.