Hơn nghìn tỉ dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/05/2023 06:46 GMT+7

Hà Nội dự kiến có dự án nghìn tỉ bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa. Chuyên gia cho rằng hệ thống này trước đây có cả bến thuyền thời An Dương Vương.

Bến thuyền thời An Dương Vương

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3915 về việc giao nhiệm vụ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích thuộc TP quản lý. Kèm theo quyết định này là Danh mục dự án lĩnh vực di tích cấp TP giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Trong danh mục này, có dự án Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa.

Theo danh mục dự án này, dự án Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa hiện có dự kiến vốn là 1.480 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách TP, cũng được xác định là Chương trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Việc lên kế hoạch cho dự án được giao cho Sở VH-TT Hà Nội.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết dự án Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa là một hạng mục trong dự án Công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa. "Công viên văn hóa bao trùm hơn, còn hào chỉ là một cấu phần thôi", ông Hồng nói.

Hơn nghìn tỉ dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương? - Ảnh 1.

Thành Cổ Loa

PGS-TS Lại Văn Tới, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, cho biết khảo cổ học cũng đã tìm được nhiều dấu vết của hào cũng như hệ thống thủy văn tại các lớp thành ngoại, thành trung, thành nội tại Cổ Loa. "Ở thành trung thì giữa hào và thành cách nhau 6 m, mặt cắt của hào hình thang ngược và mặt cắt của thành là hình thang xuôi (đáy nhỏ ở trên, đáy lớn ở dưới). Các lớp đắp thành và hào đều có các giai đoạn khác nhau. Thành chia thành 3 giai đoạn đắp: có đoạn trước thời An Dương Vương, 2 giai đoạn thời An Dương Vương, 1 giai đoạn sau An Dương Vương. Ở hào rất khó phân biệt giai đoạn, nhưng nó có cả di tích cả hiện vật thời An Dương Vương (đá và ngói), có cả di tích thời Hán và sau Hán…", ông Tới cho biết.

Về hệ thống thủy văn, PGS-TS Tới cho biết: "Hệ thống thủy văn tại Cổ Loa còn các đầm hồ bên trong thành. Ví dụ như đầm Cả ở giữa thành trung. Đầm Mạch Tràng ở thành ngoại. Vườn thuyền Ao Mắm là nơi An Dương Vương cho chế tạo tàu thuyền và đỗ tàu thuyền ở đấy. Hệ thống thủy văn ở Cổ Loa là liên thông, sau này tác chiến không những bộ binh mà cả thủy quân cũng tác chiến".

Công viên Cổ Loa giống như Công viên Lịch sử ở 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nó gồm cả phần dưới lòng đất và phần trên đất. Cảnh quan phải làm để tích hợp với nhau thành công viên lịch sử, thiên nhiên và bảo tồn giá trị lịch sử của Cổ Loa.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội

Cũng theo PGS-TS Tới: "Hệ thống đường thủy ở đây không những phục vụ tưới tiêu, nước sinh hoạt cho quân lính mà cả sản xuất nông nghiệp và còn phục vụ thủy quân. Nó liên thông thành nội, thành trung, thành ngoại ra sông Hoàng Giang, qua sông Hồng, sông Đuống. Đi lên phía bắc xuống phía nam đều được cả. Tác chiến cực kỳ linh hoạt".

Hơn nghìn tỉ dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương? - Ảnh 3.

Khai quật khảo cổ học tại Cổ Loa

Ngữ Thiên

Tầm nhìn công viên

Theo Giám đốc Sở VH-TT Đỗ Đình Hồng: "Công viên Cổ Loa giống như Công viên Lịch sử ở 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nó gồm cả phần dưới lòng đất và phần trên đất. Cảnh quan phải làm để tích hợp với nhau thành công viên lịch sử, thiên nhiên và bảo tồn giá trị lịch sử của Cổ Loa. Nó mang tính tổng thể và ý nghĩa như thế. Mình khơi thông nguồn lịch sử cũ của mình bằng những dự tính trong tươi lai mới, mình sắp đặt cho có khác biệt so với toàn cầu". Có nghĩa là bên cạnh hào, hệ thống thủy lợi sẽ còn có những điều khác nữa.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn. Theo đó, có các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực di tích phù hợp để tôn vinh, chống xuống cấp và không làm mất đi giá trị di tích. Cũng có cả yêu cầu đề xuất phương án theo hướng lựa chọn một vài địa điểm có giá trị nội hàm cao về văn hóa - lịch sử của thành, để có thể nghiên cứu phục dựng ở mức độ cho phép tái hiện hình ảnh lịch sử nhằm phục vụ du lịch.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết điều có thể tái hiện trước chính là các vòng thành, hào. "Thủy hệ là điều rất hay ở đấy. Hào cũng là đường giao thông, nối ra sông. Có thể thả thuyền ra đó để ra sông", PGS-TS Tín nói. Bên cạnh đó, ông Tín cho rằng nên có những nghiên cứu để tái hiện những hệ thống đúc đồng, đúc mũi tên, trước hết tái hiện 3D. Điều này sẽ giúp khách tới đây có thêm tương tác với lịch sử. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.