Hôn nhân đồng giới, cấm hay không?

19/07/2012 09:36 GMT+7

Nhu cầu được chung sống giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng có thật, đến lúc xã hội và pháp luật không thể bỏ qua.

Nhân dịp sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình lần này, Bộ Tư pháp đã đưa yếu tố hôn nhân đồng giới vào diện xem xét. Tiền Phong phản ánh thực tế cùng ý kiến các chuyên gia pháp luật về vấn đề này.

Bài 1: Cấm vẫn cưới

Luật HN&GĐ 2000 cấm kết hôn giữa 2 người cùng giới tính, song nhiều người vẫn chung sống và phát sinh các quan hệ tài sản hoặc con cái. Trong khi đó, pháp luật chưa có quy định bảo vệ quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản chung, quyền nhận thân nhân... của những cặp đôi đồng tính.

Bốn đám cưới, 2 biên bản xử phạt

Đám cưới đầu tiên của cặp đôi đồng tính là người Việt diễn ra từ năm 2006, nhưng nơi công nhận tính hợp pháp của cuộc hôn nhân này là Canada - đất nước mà 2 bạn trẻ Công Khanh và Thái Nguyên đang làm việc.

Khi những tấm ảnh cưới của Công Khanh- Thái Nguyên được lan truyền trên mạng, đã gây hưng phấn trong cộng đồng người đồng tính Việt.

Lúc ấy, trên blog 360Yahoo và các diễn đàn dành cho người đồng tính, ngoài những lời chúc phúc dành cho đôi trẻ, nhiều người đồng tính còn gửi gắm hi vọng trong tương lai họ sẽ được phép kết đôi như “vợ chồng”.

Bất chấp những định kiến và rào cản pháp lý, gần đây tại Việt Nam liên tiếp diễn ra những đám cưới của người đồng tính. Tháng 12-2010, đám cưới của cặp đồng tính nữ Quang Minh- Thùy Linh, được coi là đám cưới công khai đầu tiên ở Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội.

Tháng 6-2011, đám cưới của cặp đồng tính nam Phi- Pin được tổ chức tại TPHCM. Tháng 2-2012, tại thị trấn Đầm Dơi, một cặp đồng tính nữ khác cũng được tổ chức công khai.

Gần đây nhất, ngày 16-5, tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang, đám cưới của cặp đồng tính nam Nguyễn Hoàng Bảo Quốc- Trương Văn Hên được tổ chức trước sự chia vui của bố mẹ hai bên, họ hàng và bạn bè...

Tuy nhiên, do Luật HN&GĐ năm 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nên 2 đám cưới diễn ra đầu năm 2012 đều bị công an xã và dân phòng đến lập biên bản xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, những đám cưới đồng giới trên, cũng như đám cưới của Công Khanh- Thái Nguyên cho thấy một khát vọng có thực của người đồng tính là mong muốn được yêu, kết hôn và chung sống với người mình yêu.

Hôn nhân đồng giới, cấm hay không?
Công Khanh - Thái Nguyên vẫn hạnh phúc sau 6 năm kết hôn

“Gạt họ ra khỏi luật mới gây tác động tiêu cực”

Là thành viên Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ, TS. Ngô Thị Hường (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, ở thời điểm hiện nay, xét về văn hóa, tập quán gia đình Việt Nam, việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau là còn sớm, chưa phù hợp.

Tuy nhiên, bà Hường cũng đề nghị, nên bỏ khoản 5 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000, quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

“Chúng ta nên chăng cho phép họ cùng chung sống, cần thiết bổ sung những quy định về con cái hoặc giải quyết tranh chấp tài sản khi không còn chung sống”- bà Hường nói.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, là một trong những người đề nghị Luật HN&GĐ sớm công nhận HNĐG.

“Hai người đồng giới ở chung với nhau, cùng bỏ tiền ra mua nhà. Khi đó sổ đỏ có được ghi tên cả 2 người hay không? Hoặc khi 2 người chia tay, khối tài sản chung sẽ phân chia thế nào nếu phải ra tòa? Trường hợp đồng tính nữ, một trong 2 người có khả năng sinh con nhưng đến khi ghi tên bố mẹ thì ghi thế nào? Người phụ nữ đẻ thì chắc chắn được ghi tên là mẹ, nhưng người còn lại có được ghi tên phụ huynh không? Ở nhiều nước trên thế giới họ thường ghi phụ huynh 1, phụ huynh 2 trong giấy khai sinh” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng, hiện cộng đồng người đồng tính đang còn trẻ, nhưng càng ngày càng lớn tuổi lên. Thừa nhận HNĐG sẽ có tác động rất lớn và nhân văn cho những người có tuổi, họ được chung sống và chăm sóc nhau khi tuổi già...

Được biết, hiện đã có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận kết hôn đồng giới, một số nơi chưa công nhận nhưng cũng đã cho phép người đồng giới chung sống. Băn khoăn lớn nhất trong các ý kiến bài trừ HNĐG là e ngại những tác động tiêu cực đến xã hội.

Về việc này, ông Lê Quang Bình nêu quan điểm: “Thực tế ở các nước đã công nhận HNĐG thì không có gì là tác động tiêu cực cả. Nếu gạt đối tượng này ra ngoài luật, vô hình trung anh đã gạt ra ngoài luật một nhóm dân số tương đối lớn (nếu ước tính từ 3-5% dân số thì có đến hàng triệu người Việt Nam đồng tính), đó mới chính là tác động tiêu cực đến xã hội khi nhóm dân số này nằm ngoài điều chỉnh của hệ thống pháp luật”.

(Còn nữa)

Bài 2: Cấm kết hôn, nhưng không cấm... cưới

“Nhiều người vẫn cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật là không phải. Chẳng có điều nào của Luật HN&GĐ hay luật khác cấm tổ chức lễ cưới của những người đồng giới” - TS. Nguyễn Văn Cừ (Phó Chủ nhiệm khoa Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội, thành viên Tổ biên tập sửa đổi Luật HN&GĐ) khẳng định.

Theo Hoàng Long \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.