Hơn nửa tấn vàng lậu đã tuồn vào TP.HCM?

19/04/2010 00:50 GMT+7

Các bị can khai số lượng vàng buôn lậu lên đến hơn nửa tấn, nhưng bước đầu cơ quan điều tra mới làm rõ khoảng 400 kg vàng được nhóm buôn lậu đưa vào VN.

Như Thanh Niên đã thông tin , vào rạng sáng 4.2.2010, Công an H.Châu Thành (Tiền Giang) bắt giữ chiếc ô tô 7 chỗ ngồi hiệu Ford Everest, biển số 67M-2029, đang vận chuyển 92 kg vàng thỏi đi từ An Giang về TP.HCM. Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra xác định đây là nhóm buôn lậu vàng xuyên biên giới với quy mô cực lớn, có tổ chức chặt chẽ.

Chở vàng lậu như chở... củi

Theo lời khai của Nguyễn Ngọc Luân (là chủ tiệm cầm đồ Ngọc Anh ở phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, An Giang) thì trước khi y bị bắt khoảng 4 tháng, có 2 người phụ nữ từ TP Phnom Penh (Campuchia) sang làm quen, đặt vấn đề hợp tác buôn lậu vàng và hai bên thỏa thuận chỉ giao dịch qua điện thoại. Địa điểm giao vàng lậu là tiệm cầm đồ Ngọc Anh. Phương thức thanh toán bằng USD ngay sau khi nhận hàng. Phi vụ đầu tiên, đầu nậu tại Campuchia cử người mang vàng đến Châu Đốc để giao. Nguyễn Ngọc Luân thậm chí chỉ kiểm tra chất lượng vàng trong lần giao dịch đầu tiên, sau đó thì “dựa vào chữ tín”.

Biến tiệm cầm đồ thành điểm trung chuyển vàng lậu, ông chủ tiệm này cũng bắt đầu lo tổ chức đóng gói cẩn thận rồi mang lên TP.HCM bỏ mối sỉ cho các ông trùm kinh doanh vàng tại khu vực Chợ Lớn, như Phạm Tùng Nguyên (90 Đỗ Ngọc Thạnh, P.14, Q.5) và Tiêu Khai Phến (28 Nguyễn Thị Nhỏ, P.14, Q.5)... Mỗi lần từ 5 kg đến 35 kg cho mỗi tiệm.

Để an toàn, lúc đầu Nguyễn Ngọc Luân thuê người bà con bên vợ là Lê Văn Don (51 tuổi, ngụ xã Phú Vĩnh, H.Tân Châu, An Giang) làm cửu vạn. Don đi xe đò, với giá 1,2 triệu đồng/chuyến và mỗi chuyến mang từ 5 đến 10 kg vàng. Vào những lúc giá vàng trên thị trường “nhảy múa” thì Nguyễn Ngọc Luân thuê hẳn xe ô tô riêng để chở Don và một cửu vạn nữa. Cũng có lúc Nguyễn Ngọc Luân xem vàng như... củi, gửi xe khách ở Châu Đốc “chuyển phát nhanh” lên TP.HCM mà không cần “người thân tín” áp tải!

Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu vàng ở TP.HCM rất lớn nên đêm 2.2.2010, Nguyễn Ngọc Luân thuê xe ô tô chở Don mang 35 kg vàng lên giao cho Phạm Tùng Nguyên. Nhưng ngay lập tức, Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến mỗi người đã ứng trước gần cả triệu USD cho Don mang về đưa Nguyễn Ngọc Luân để cấp tốc “nhập” thêm 62 kg vàng nữa. Do vậy ngay đêm hôm sau (3.2.2010), Nguyễn Ngọc Luân tiếp tục thuê xe ô tô chở Don mang vàng đi TP.HCM để giao cho Nguyên và Phến. Nhưng chuyến xe này đã không đến được TP.HCM mà... phải chạy thẳng về trụ sở Công an H.Châu Thành (Tiền Giang) theo lệnh bắt khẩn cấp.

Được biết, năm 1998 Nguyễn Ngọc Luân từng bị bắt tạm giam 18 tháng tại An Giang vì buôn lậu 5 kg vàng. Nhưng vụ án sau đó không hiểu vì sao bị đình chỉ điều tra và 5 kg vàng cũng được trả lại (?!).

“Ăn” nhờ số lượng nhiều

Trong khi đó thì Nguyễn Thị Tuyết Vân (44 tuổi, chủ tiệm cầm đồ Tuyết Vân ở thị xã Châu Đốc) là em vợ của Luân, cũng học nghề từ ông anh rể và bắt mối với đầu nậu bên Campuchia để thiết lập một đường dây riêng nhập lậu vàng vào VN. Cũng như Nguyễn Ngọc Luân, việc giao dịch, thỏa thuận mua bán vàng giữa Vân với đầu nậu Campuchia diễn ra trên điện thoại vào mỗi buổi sáng, đến chiều tối thì có người mang vàng giao tại nhà cho Vân.

 
Bị can Hồng Đức Sanh và tang vật vàng nhập lậu  

Chiếc xe chở vàng lậu bị bắt quả tang - Ảnh: Hoàng Phương

Bước đầu, Vân khai nhận mỗi kg vàng chỉ kiếm lời “chút đỉnh” từ 20 - 30 USD, nhưng “ăn” nhờ số lượng nhiều. Mỗi chuyến mang hàng đi TP.HCM, Vân thuê từ 2 đến 4 người, mỗi người đai từ 4 đến 7 kg vàng. Khách hàng chủ yếu của Vân cũng là tiệm vàng Kim Nguyên của Phạm Tùng Nguyên và tiệm vàng Yến Bình của Tiêu Khai Phến. Từ tháng 12.2009 đến khi bị bắt, Vân đã bán cho Nguyên 17 lần với tổng cộng 98 kg vàng, đồng thời bán cho Phến khoảng 20 lần với 104 kg vàng.

Đêm 2.2.2010, Vân gọi Hồng Đức Sanh (60 tuổi, xã Khánh Hòa, H.Châu Phú, An Giang) tới nhà rồi giao 2 cục vàng (6 kg) và dặn Sanh đi xe đò lên TP.HCM giao cho Phến. Ngay sau đó, Vân gọi Nguyễn Văn Lợi (31 tuổi, xã Vĩnh Bình, H.Châu Thành, An Giang) tới nhà rồi cũng giao cho 2 cục vàng. Lợi cho vào bao vải rồi đeo ở thắt lưng đi xe đò lên TP.HCM giao cho một tiệm vàng ở chợ Bình Tiên. Ngày 3.2.2010, qua điện thoại, Phạm Tùng Nguyên đặt mua 20 kg vàng với giá 35.020 USD/ kg và trả trước cho Vân hơn 700.000 USD. Cùng ngày, Phến cũng đặt mua của Vân 10 kg vàng và cũng trả tiền trước. Sau khi điện thoại sang Campuchia đặt mua vàng, tối 3.2.2010 Vân phân công Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi mỗi người đai 15 kg vàng quá giang xe ô tô 67M-2029 (chở vàng cho Nguyễn Ngọc Luân) đi TP.HCM giao cho Nguyên và Phến.

Khi chiếc ô tô chở vàng lậu bị sa lưới tại Tiền Giang, sáng 4.2.2010 Nguyên và Phến điện thoại hỏi thăm, Vân định trả tiền lại nhưng Nguyên và Phến không đồng ý. Ngay chiều hôm đó, Vân đặt mua 30 kg vàng rồi giao cho 2 cửu vạn khác, mỗi người mang 15 kg đi xe đò lên TP.HCM để “đền” cho Nguyên và Phến.

Trước đó, Vân cũng từng bị bắt giữ cùng 6 kg vàng tại Châu Đốc, nhưng rồi một tháng sau thì... được trả lại.

Không nhớ nổi số lượng...

Theo lời khai của Lê Văn Don, nếu mang vàng đi TP.HCM bằng xe đò trót lọt thì mỗi chuyến được trả tiền công 800 ngàn đồng. Nếu đi bằng xe ô tô do Nguyễn Ngọc Luân thuê và mang từ 10 kg vàng trở lên, tiền công là 1,2 triệu đồng. Tổng cộng Don đã giao cho Phạm Tùng Nguyên 17 lần, mỗi lần từ 6 đến 22 kg vàng; giao cho Phến khoảng 6 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 kg vàng. Mỗi lần giao vàng xong, Don thường đến nhà của Nguyễn Ngọc Luân (đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) để nghỉ, chờ đến trưa quay lại những chỗ giao vàng nhận tiền mang về An Giang. Tính ra, từ đầu tháng 1 đến 4.2.2010, Don đã vận chuyển vàng cho Luân 32 chuyến, nhưng không nhớ nổi số lượng. Chỉ nhớ 4 lần gần nhất là 137 kg vàng.

Cùng thời gian trên, Hồng Đức Sanh vận chuyển cho Nguyễn Thị Tuyết Vân 31 chuyến, tổng cộng 275 kg vàng. Tối 3.2.2010, khi Sanh đến nhà thì Vân đưa cho một cái áo “khỉ” có nhiều túi, trong mỗi túi đã để sẵn một thỏi vàng, tổng cộng là 15 kg và đi trên chiếc ô tô 67M-2029 do Trần Phi Toàn lái. Chiếc ô tô chạy về Long Xuyên, qua phà Vàm Cống, tới Sa Đéc thì vòng ra cầu Mỹ Thuận. Vì trong áo “khỉ” có tới 15 thỏi vàng, nặng quá nên Sanh cởi áo ra để dưới chân rồi dùng tấm thảm đậy lên. Khi đến Tiền Giang thì xe chở vàng bị bắt giữ.

Riêng Nguyễn Văn Lợi khai chỉ trong 2 tháng đầu năm 2010, y đã vận chuyển cho Vân 17 lần với số lượng 143 kg vàng, đưa trót lọt về TP.HCM.

Sáng 4.2.2010, vì chưa nhận được 62 kg vàng nên Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến sốt ruột điện thoại hỏi thì tá hỏa vì xe chở vàng đã bị công an bắt giữ. Không chùn tay, Nguyên và Phến vẫn buộc Nguyễn Ngọc Luân phải giao đủ số vàng đã bán. Nguyễn Ngọc Luân tiếp tục liên lạc với đầu nậu bên Campuchia để mua cấp tốc 62 kg vàng khác kịp giao cho Phến và Nguyên. Lần này, đích thân Nguyễn Ngọc Luân mang 10 kg vàng đến trạm xe khách Kim Ngân ở Châu Đốc gửi đi rồi điện thoại cho Nguyên đến trạm xe ở đường Bà Hom, TP.HCM nhận. Số vàng còn lại của Nguyên (22 kg), Nguyễn Ngọc Luân sai một đàn em khác đai trong người rồi đi xe đò lên giao cho Nguyên tại một tiệm vàng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Riêng 30 kg vàng của Phến thì Nguyễn Ngọc Luân chẻ nhỏ ra và cho người mang đi giao cho Phến 3 lần.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.