Honduras: Lãnh đạo lâm thời đồng ý đàm phán

23/09/2009 15:47 GMT+7

(TNO) “Tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Zelaya một khi ông ấy chấp nhận hoàn toàn kết quả bẩu cử tổng thống” - đó là tuyên bố của lãnh đạo lâm thời Honduras, ông Roberto Micheletti hôm 22.9.

Tuyên bố của ông Micheletti được đưa ra trong bối cảnh quân đội Honduras vẫn đang bao vây tòa đại sứ Brazil tại Honduras, nơi Tổng thống bị lật đổ Zelaya đang trú ẩn kể từ khi bất ngờ trở về nước vào hôm 21.9.

Binh lính Honduras đã phải dùng bạo lực để giải tán những người ủng hộ ông Zelaya - Ảnh: AFP

Kể từ khi bị dí súng vào người để buộc phải lên máy bay rời khỏi Honduras vào cuối tháng 6 qua, ông Zelaya vẫn kêu gọi đàm phán để khôi phục nền dân chủ ở Honduras nhưng luôn bị từ chối.

Nay, với việc ông Zelaya trở về thành công bất chấp sự ngăn cản tối đa của chính quyền lâm thời, nhà lãnh đạo Micheletti dường như đã nhượng bộ, đồng ý đàm phán, nhưng đưa ra điều kiện Zelaya phải chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Được biết, từ trước đó, ông Micheletti đã cam kết sẽ trao lại chính quyền cho người chiến thắng sau cuộc bầu cử do ông ấn định ngày sắp tới.

Trong khi đó, chính quyền của Micheletti đã cắt hết điện, nước và điện thoại tại tòa đại sứ Brazil. Hiện tòa đại sứ phải dùng máy phát điện làm giải pháp tạm thời.

Sáng sớm hôm qua, binh lính Honduras đã dùng dùi cui, hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya tụ tập trước tòa đại sứ, bất chấp lệnh giới nghiêm đã được áp đặt.

Chính quyền Brazil đã lên tiếng cảnh báo lực lượng an ninh Honduras không được vào trong tòa đại sứ. Brazil cũng đang yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông Zelaya bên trong tòa đại sứ Brazil - Ảnh: AFP

Riêng chính quyền Honduras thì vẫn không ngừng yêu cầu Brazil hoặc giao nộp ông Zelaya, hoặc để cho ông này sang Brazil tị nạn chính trị.

Được biết, ông Zelaya đã bất ngờ trở về Honduras vào hôm 21.9 sau 3 tháng tị nạn ở Nicaragua, gây nhiều lúng túng cho chính quyền lâm thời của đối thủ Micheletti.

Ông đã bị quân đội dí súng vào người buộc lưu vong sau khi lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng thay đổi hiến pháp, vốn để ông có thể kéo dài nhiệm kỳ của mình. Lực lượng đối lập đã gọi động thái này là vi hiến và cuộc đảo chính đã diễn ra đúng vào ngày dự định tổ chức trưng cầu dân ý.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.