Hợp nhất số khẩn cấp, tiện cho dân

18/07/2022 04:16 GMT+7

Trong một lần vừa rời khỏi ga tàu điện ngầm ở bang Virginia (Mỹ), người viết chứng kiến 2 chiếc xe hơi va chạm.

Hậu quả có vẻ không quá nghiêm trọng nhưng chỉ sau vài phút thì một lực lượng hùng hậu gồm xe cảnh sát, xe cứu thương và cả xe thang của lực lượng cứu hỏa nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Khi đó, cảnh sát lo ghi nhận vụ việc, lực lượng trên xe cứu hỏa lo nạy cửa xe gặp tai nạn để người bên trong có thể thoát ra ngoài, các nhân viên y tế lo chăm sóc người bị thương.

Ở Mỹ, nếu gặp bất cứ chuyện khẩn cấp nào, người dân chỉ cần gọi đầu số 911 thì lực lượng chức năng sẽ tùy tình hình vụ việc mà triển khai nhân lực tương ứng. Không riêng Mỹ mà rất nhiều nước khác đều thống nhất một đầu số khẩn cấp để người dân dễ dàng nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng chức năng khi hữu sự.

Chứ nếu đã khẩn cấp, nhất là lúc “dầu sôi lửa bỏng” mà còn phải suy nghĩ trường hợp mình đang đối mặt phải gọi số nào xin hỗ trợ cho đúng thì quả là... khó cho dân. Bởi thực tế muôn hình vạn trạng, không chỉ có an ninh trật tự, cấp cứu y tế, cháy nhà mà còn có cả các tình huống “khó đỡ” khác như rắn hay thú dữ vào nhà, bị kẹt ở hàng rào… chẳng hạn.

Tuy nhiên, tại VN hiện chỉ mới có một số tỉnh thành đang thử nghiệm liên thông các đầu số khẩn cấp 113-114-115 nhằm hỗ trợ người dân. Còn việc thống nhất các đầu số, xây dựng trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp chung vẫn còn nằm ở mức đề án. Thậm chí, ở quy mô cả nước thì việc liên thông 113-114-115 vẫn chưa được nhân rộng, chứ đừng nói đến việc thống nhất đầu số.

Phải khẳng định việc một số chính quyền địa phương chủ động liên thông như thế là đáng hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ. Bởi liên thông thì vẫn mất thêm thời gian để chuyển số, chuyển cuộc gọi đến nơi liên quan và khó đạt sự đồng bộ cao. Trong khi đó, với rất nhiều trường hợp khẩn cấp, người dân được ứng cứu hay hỗ trợ sớm hơn chỉ vài giây sẽ cứu được mạng người, và ngược lại…

Nói vậy để thấy, cách thức vận hành việc ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân hiện vẫn còn bất cập, chưa theo kịp xu thế phát triển chung của thế giới. Và khi sự bất cập đã quá rõ thì không thể cứ tiếp tục để như vậy.

Chính vì thế, việc hợp nhất, chứ không phải chỉ liên thông, các đầu số khẩn cấp cần được xúc tiến càng sớm càng tốt nhằm kịp thời hỗ trợ hiệu quả cho người dân. Và việc hợp nhất không chỉ do các địa phương tự thực hiện mà cần có một kế hoạch chi tiết, thống nhất trên cả nước.

Không chỉ hợp nhất đầu số mà còn phải hệ thống hóa các hoạt động ứng phó, hỗ trợ tình huống khẩn cấp từ một đầu mối chung để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng liên quan. Có thế, người dân mới được nhờ. Đó chính là một thước đo quan trọng trong việc chăm sóc đời sống người dân!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.