Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đang xúc tiến với chính quyền Indonesia để đưa ngư dân sang nước này đánh bắt thủy sản hợp pháp.
Trong buổi gặp mặt đầu năm với cơ quan chức năng tỉnh BR-VT, ông Bambang Tarsanto.S, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM cho biết, Chính phủ VN và Indonesia đã ký kết bản ghi nhớ về sự hợp tác Biển và Nghề cá vào tháng 10.2010. Giữa hai nước đã tiến hành 4 vòng đàm phán trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và đang nỗ lực để sớm hoàn thành việc này.
|
Trong năm 2011, đã có các đoàn đến VN để trao đổi về hợp tác nghề cá giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan (Indonesia). Đối với BR-VT, bà con ngư dân cũng đã tiếp xúc với phía đối tác để tìm hiểu về cơ hội làm ăn mới. Công ty PT. Bonni Gracia là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được chính phủ Indonesia cho phép trực tiếp đứng ra làm đối tác hợp tác đánh bắt hải sản với ngư dân VN.
Ngư dân chỉ nên ký kết hợp tác với các công ty làm ăn minh bạch, đã được chính phủ Indonesia và Đại sứ quán VN giới thiệu để tránh xảy ra những rắc rối, gây thiệt hại về tài sản của mình
|
||
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT |
||
"Trong giai đoạn đầu, hai bên sẽ hợp tác trên lĩnh vực đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm. Phía đối tác Indonesia chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin Chính phủ cấp phép khai thác cho tàu cá VN đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia. Khu vực ngư trường tàu cá VN có thể khai thác trên hải phận Indonesia từ vĩ độ 3 trở ra và từ kinh độ 1050 - 1100. Theo đó, chi phí cho việc xin giấy phép khai thác là 40.000 USD/giấy phép, có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Sản lượng chia theo tỷ lệ 50:50 giữa ngư dân VN và Công ty PT. Bonni Gracia. Để thuận lợi cho việc đánh bắt và chủ động giao dịch với cơ quan chức năng Indonesia, mỗi tàu cá VN phải thuê 3 thuyền viên người Indonesia cùng làm việc trên tàu", ông Bambang Tarsanto.S cho biết.
Trước thông tin này, nhiều ngư dân rất phấn khởi vì đây là ngư trường giàu tiềm năng và sản lượng hải sản rất phong phú. Tuy nhiên, cũng không ít ngư dân vẫn còn lo lắng vì những phát sinh trong quá trình đánh bắt trên vùng biển của nước bạn, như lo bị hải quân và cảnh sát biển của Indonesia bắt giữ.
Về vấn đề này, phía Indonesia cho biết, tàu cá VN khi đã được cấp phép hoạt động trên lãnh hải của Indonesia sẽ treo cờ của Indonesia, nên sẽ không bị hải quân và cảnh sát biển bắt. “Khi bị hải quân và cảnh sát biển kiểm tra, thì lúc này các thuyền viên người Indonesia trên tàu chịu trách nhiệm giao tiếp. Nếu tàu cá vi phạm luật lệ, hoặc gặp rắc rối không tự giải quyết được, thì sẽ được Chính phủ can thiệp”, giáo sư Johannes - Đại học Hàng hải và Nghề cá Indonesia hướng dẫn.
Theo quy định của Indonesia, khi khai thác, đánh bắt trên khu vực biển của nước này thì tàu VN chỉ được sử dụng các ngư cụ, như: giã cào chiếc, lưới căng, lưới bao và ghe đen, lưới cầu... Trọng tải tàu cho phép hoạt động trong khu vực ngư trường là 50 - 150GT, không được vi phạm giới hạn khu vực ngư trường và đặc biệt quy định của nước bạn không cho phép ngư dân sử dụng ngư cụ giã cào đôi để khai thác. |
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh BR-VT, ông Lê Văn Kháng nói: “Việc hợp tác đánh bắt nếu được thực hiện thì đây là một cơ hội lớn cho các ngư dân. Ở Indonesia có nhiều hòn đảo lớn, nhỏ nên sản lượng hải sản rất dồi dào”.
Tuy nhiên, ông Kháng cũng đặt ra nhiều băn khoăn, ở VN, khi tàu cá gặp nạn sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ về công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, trong khi đó chưa biết chính sách bên Indonesia như thế nào. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần, giá cả hàng hóa, chi phí phát sinh trong quá trình đánh bắt hải sản ở Indonesia cũng cần được tính toán kỹ trước khi đưa tàu cá sang nước bạn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết sẽ giúp bà con ngư dân nắm bắt thêm những kiến thức về phương thức hợp tác, thể chế, quy định của Indonesia trên lĩnh vực khai thác hải sản và hướng dẫn bà con các thủ tục đăng ký chính thức.
"Ngư dân chỉ nên ký kết hợp tác với các công ty làm ăn minh bạch, đã được chính phủ Indonesia và Đại sứ quán VN giới thiệu để tránh xảy ra những rắc rối, gây thiệt hại về tài sản của mình", ông Quốc nói.
Ra khơi đánh bắt xa bờ Hôm qua, tại nhiều cửa biển ở các tỉnh miền Trung, ngư dân đã bắt đầu tất bật cho một mùa đánh bắt mới. Tại cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ) - một trong bốn cửa biển lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, từ sáng sớm hàng ngàn ngư dân ở các làng chài đã tập trung về địa điểm diễn ra lễ hội ra quân nghề cá 2012 để chứng kiến thời khắc xuất hành của hàng trăm tàu cá. Theo ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với hơn 90% dân số sống dựa vào biển. Chính vì thế, ngư dân Sa Huỳnh đều hiểu rằng để làm giàu từ biển thì không thể quẩn quanh mãi vùng biển ven bờ mà phải đóng tàu có công suất lớn mới đủ sức vươn ra biển xa, bám biển dài ngày đồng thời chuyển đổi nghề vây rút chì khai thác kém hiệu quả sang nghề kéo lưới đôi. Do vậy, mỗi năm ngư dân đầu tư gần cả trăm tỉ đồng để đóng mới và cải hoán tàu thuyền. Chỉ riêng trong năm 2011, cả xã đã tăng thêm hơn 100 tàu đánh cá mới, nâng tổng số tàu thuyền lên 863 chiếc với tổng công suất trên 125.300 CV, trong đó có hơn một nửa là tàu đánh bắt xa bờ. Hiển Cừ |
Nguyễn Long
Bình luận (0)