Thiếu nguồn củi nguyên liệu
|
Cách đây khoảng 9 năm, để giải quyết nghề hầm than lậu ở xã Tam Giang, các ngành chức năng đã thành lập HTX chế biến than 2.9. Đây là HTX hầm than đầu tiên ở rừng ngập mặn của Cà Mau. 36 thành viên của HTX trước đây từng là những lâm tặc có tiếng, sống rải rác trong Lâm ngư trường 184 được kêu vào HTX, trở thành những xã viên hầm than chân chính, hoạt động dưới sự quản lý của địa phương.
“Không thể diễn tả niềm vui của người dân xứ này vào thời điểm đó. Chúng tôi ai cũng phấn khởi khi được chính quyền tạo điều kiện cho làm ăn hợp pháp. Vậy mà chưa đâu vào đâu thì HTX đã rệu rã”, ông Chung Văn Tịch (56 tuổi), một xã viên, tiếc nuối khi nhớ lại thời “vàng son” của HTX chế biến than 2.9.
Theo ông Tịch, do thời điểm thành lập HTX còn Lâm ngư trường 184, nên các xã viên dễ dàng tiếp cận với nguồn củi chính phẩm. Lãnh đạo Lâm ngư trường 184 đã tạo mọi điều kiện cho xã viên mua được củi tốt để hầm than, nhờ đó HTX hoạt động sôi nổi và đời sống của các xã viên phất lên trông thấy. Thế nhưng, khi Lâm ngư trường 184 đổi thành Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển, thì HTX chế biến than 2.9 hoạt động kém dần. “Mỗi năm, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển tổ chức đấu thầu khai thác củi 1 lần, nhưng dân nghèo như chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua củi chính phẩm. Cố gắng lắm cũng chỉ mua được củi tận thu. Loại củi này rất dở, nên hầm than chất lượng kém. Người mua chê, dù giá bán than chỉ 4.000 đồng/kg, bằng 50% so với than chính phẩm”, ông Tịch than. Gia đình ông có 2 lò than nhỏ với 5 nhân khẩu, nhưng hiện tại đang “sống dở chết dở” vì nguồn thu nhập từ 2 lò hầm than này không đủ nuôi sống gia đình.
Bỏ nghề hàng loạt
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm HTX chế biến than 2.9, cho biết việc không tiếp cận được nguồn củi chính phẩm để hầm than đang là khó khăn chung của các xã viên trong HTX. Hiện tại, HTX không còn nhận bất kỳ chính sách nào của ngành chức năng để thúc đẩy nghề hầm than phát triển. “Trước năm 2006, HTX ký được hợp đồng bán than cho một số cơ sở, đơn vị ở TP.HCM. Lúc đó, các xã viên vô cùng phấn khởi, bình quân hằng tháng, mỗi xã viên thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Kể từ khi không mua được củi chính phẩm, than làm ra không còn đảm bảo được yêu cầu của đối tác, nên họ không mua nữa”, ông Bình chua chát nói.
Cũng theo ông Bình, đến thời điểm này, số xã viên còn lại của HTX có thể đếm trên đầu ngón tay (khoảng 10 hộ). Nhiều trường hợp đã phải bỏ nghề hầm than vì thua lỗ như ông Phạm Trung Toàn, nguyên chủ nhiệm HTX, hay trường hợp của ông Ngô Thành Quý… Khi còn Lâm ngư trường 184, những hộ này đều đầu tư nhiều tiền của xây lò lớn, đến lúc không tìm được nguồn nguyên liệu đành phải bỏ lò.
Thành lập HTX chế biến than dưới sự quản lý của chính quyền và ngành kiểm lâm là một hướng đi đúng đắn nhằm từng bước quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tốt hơn, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Thế nhưng, trước tình trạng HTX hoạt động trì trệ như hiện nay, không ai dám khẳng định những xã viên còn lại của HTX có quay về với nghề “lâm tặc” cũ hay không.
Cảnh đìu hiu ở HTX chế biến than 2.9 - Ảnh: An Lạc
Những xã viên cuối cùng đang cố gắng bám nghề - Ảnh: An Lạc |
P.Hưng - A.Lạc
Bình luận (0)