2 món hủ tiếu đặc trưng nhất của cộng đồng người Tiều ở Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu hồ và hủ tiếu sa tế. Hủ tiếu hồ với “cọng” hủ tiếu làm từ những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông, thường được nhắc đến với tên gọi "kway chap" mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở Singapore, Malaysia hay Hồng Kông. Người Sài Gòn đôi khi còn gọi vui là "bánh canh của người Tiều" bởi bề ngoài quá đặc biệt của món này. Nhưng còn hủ tiếu sa tế thì sao? Hình như chẳng có quốc gia nào có mòn này, mà cũng rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Nguồn gốc thì lại càng bí ẩn hơn. Nhiều tài liệu cho rằng món này khởi phát từ tiệm ăn của một người Triều Châu trên đường Triệu Quang Phục (quận 05) từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một lập luận khác thì dựa trên "sa tế của Chà" mà cho rằng đây là kiểu ăn của người Chà Và lai trộn với kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn. Từ "Chà Và" mà người Sài Gòn hay nói là đọc trại từ chữ "Java" (một hòn đảo lớn của Indonesia, là hòn đảo đông dân nhất trên thế giới với hơn 135 triệu cư dân), cũng là để chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm ngăm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)... Trong quận 05 có cây cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ nối với kênh Ruột Ngựa, có bề dài lịch sử hơn 100 năm làm thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Từ thời xưa vùng này là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải.